Để áo dài trở thành "đại sứ du lịch"
Cập nhật ngày: 23/10/2016 06:15:06
Tà áo dài từ lâu đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ, cho nét đẹp văn hóa Việt Nam. Những người làm du lịch đang tìm các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của áo dài nhằm góp phần phát triển du lịch, khuyến khích khách du lịch khám phá Việt Nam.
Màn trình diễn áo dài của các nghệ sĩ và người mẫu tại Festival Áo dài Hà Nội 2016. Ảnh: ĐĂNG ANH
Hành trình trở thành biểu tượng nét đẹp văn hóa
Khi chiếc xích-lô chở cụ Nguyễn Thị Sính, phu nhân cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, trong bộ áo dài do nhà thiết kế Minh Hạnh sáng tác với cảm hứng từ tranh "Phố Phái", xuất hiện trong đêm khai mạc Festival Áo dài Hà Nội 2016, trên nền sân khấu cổ kính, trầm mặc của Đoan Môn (Hoàng thành Thăng Long) khán giả đã có những giây phút lặng đi. Nét thanh lịch của người phụ nữ Hà Nội toát ra từ ánh mắt, thần thái, dáng điệu của cụ, khiến mọi người không nghĩ rằng năm nay cụ đã ngoài 90 tuổi. Những con phố quanh co, những mái ngói liêu xiêu và hình ảnh một phụ nữ Hà Nội xưa đã đánh thức ký ức của bao người về Hà Nội.
Gặp cụ Nguyễn Thị Sính trong con ngõ sâu hút trên phố cổ, cụ kể lại: "Nhà tôi xưa ở số 41 phố Đinh Tiên Hoàng, bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hồi ấy, con gái Hà Nội cứ đến 16-17 tuổi là được bố mẹ đưa đi may áo dài. Với những gia đình gia giáo ở Hà thành, đã thành nếp, phụ nữ hễ ra khỏi cửa là mặc áo dài, cho dù là đi làm, hay đi chợ". Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, người có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử trang phục, chiếc áo dài có một lịch sử lâu dài. "Tiền thân" chiếc áo dài hôm nay ra đời ở Phú Xuân (TP Huế ngày nay) dưới thời các chúa Nguyễn. Sau mấy trăm năm, chiếc áo dài dần được hoàn thiện trên đất Thăng Long nhờ những cải tiến của các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm 1930. Người tạo ra bước ngoặt cho áo dài là họa sĩ Lê Phổ. Ông dung hòa tà áo tứ thân cổ truyền với nét hiện đại, thiết kế thân áo ôm sát hơn, tôn lên vẻ đẹp hình thể người phụ nữ, mà vẫn giữ được nét kín đáo. Áo dài "tân thời" nhanh chóng bắt nhịp với đời sống. Khi cụ Nguyễn Thị Sính bắt đầu được mặc chiếc áo dài, cũng là lúc thiết kế chiếc áo dài đã đạt đến chuẩn mực. "Mặc chiếc áo dài, tự nhiên, người ta thấy mình phải đi đứng, ăn nói sao cho tương xứng" - chia sẻ của cụ Nguyễn Thị Sính cho chúng ta thấy chiếc áo dài có ảnh hưởng thật sự quan trọng đến vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Tràng An.
Từ Hà Nội, chiếc áo dài lan tỏa khắp đất nước, trở thành hiện thân cho sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Có thời kỳ khó khăn, người phụ nữ ít có điều kiện làm đẹp, nhưng chiếc áo dài chưa bao giờ mất đi sức sống của nó. Áo dài đã có nhiều thay đổi để phù hợp với phong cách mỗi vùng miền, tích hợp những nét mới, tạo thành sự đa dạng trong thống nhất. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ là hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình trong tà áo dài khi tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Pa-ri với tư cách Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Tà áo mềm mại, thanh nhã đã gián tiếp nói lên một Việt Nam giàu truyền thống, yêu chuộng hòa bình. Hay như câu chuyện NSND Trà Giang đi dự Liên hoan phim quốc tế tại Mát-xcơ-va (Liên Xô trước đây) năm 1963 với phim Chị Tư Hậu. Khi bà xuất hiện trước trước công chúng trong tà áo dài, những tràng pháo tay tán thưởng rộ lên và nhiều người reo lên: "Việt Nam", "áo dài". Đó chỉ là những thí dụ điển hình trong vô vàn câu chuyện về chiếc áo dài trong vai trò "đại sứ văn hóa" Việt Nam.
Cho đến khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, chiếc áo dài đã thật sự hồi sinh. Áo dài trở thành trang phục của những tiếp viên hàng không - những người đầu tiên đón khách quốc tế. Áo dài được phụ nữ mặc trong những ngày lễ, Tết, những sự kiện quan trọng. Áo dài xuất hiện trong nhiều chương trình giao lưu văn hóa với thế giới… Những nhà thiết kế áo dài Việt Nam như Minh Hạnh, La Hằng… nổi tiếng với nhiều khách hàng nước ngoài. Thương hiệu văn hóa của áo dài ngày một rõ nét trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Quảng bá du lịch Việt Nam
Từ một "đại sứ văn hóa", ngành du lịch Việt Nam đang từng bước biến áo dài trở thành "đại sứ du lịch". Hình ảnh áo dài được ngành du lịch khai thác để quảng bá cho nét đẹp văn hóa Việt Nam. Không dừng lại ở đó, áo dài trở thành một sản phẩm du lịch, điển hình như ở Hội An (Quảng Nam). Trong một không gian cổ kính, sau khi tìm hiểu về tơ lụa, về áo dài, rất nhiều khách du lịch muốn có một bộ cho mình. Dịch vụ may áo dài lấy ngay ra đời. Chỉ cần đặt tiền, chọn vải, để lại số đo, địa chỉ khách sạn, khách du lịch nhanh chóng nhận một bộ áo dài đẹp trong ngày, khiến họ cảm thấy hào hứng hơn. Tại TP Hồ Chí Minh, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dành không gian rộng tới 16.000 m2 để làm Bảo tàng Áo dài Việt Nam, kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa áo dài thông qua hàng trăm mẫu áo dài. Bảo tàng chinh phục ngay cả những người khó tính nhất khi áo dài được trưng bày trong một khuôn viên với những nếp nhà gỗ đậm chất truyền thống. Tại đây còn có áo dài của những nhân vật đặc biệt trong lịch sử như nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Thị Định, áo dài của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hay chiếc áo dài được truyền qua nhiều thế hệ của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh...
Tuy nhiên, việc khai thác chiếc áo dài truyền thống trong phát triển du lịch mới ở dạng nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Đây là lý do trung tuần tháng 10 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Festival Áo dài Hà Nội 2016. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: "Trang phục truyền thống của mỗi quốc gia đều ẩn chứa những tinh hoa văn hóa, có khả năng khơi gợi mong muốn khám phá của khách du lịch. Festival Áo dài Hà Nội vừa tôn vinh chiếc áo dài dân tộc, vừa làm cầu nối khuyến khích khách du lịch khám phá Việt Nam, hướng tới xây dựng Hà Nội thành một trung tâm thời trang với áo dài là hạt nhân".
Những hoạt động trình diễn, trải nghiệm, trưng bày, diễu hành trên phố... của Lễ hội Áo dài với sự tham gia của 32 nhà thiết kế đã thu hút hơn 30 nghìn lượt khách tham quan. Song đó mới là sự khởi đầu. Cái đích xa hơn là làm thế nào khai thác nét đẹp của áo dài để phát triển du lịch. Tại hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của áo dài trong du lịch", các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, doanh nhân... đều cho rằng, để phát huy giá trị áo dài trong du lịch, trước hết, cần sự phổ biến của chiếc áo dài trong cộng đồng. Nhiều người mặc áo dài sẽ tạo nên những hình ảnh hấp dẫn cho Việt Nam. Nhưng hiện nay, phụ nữ thường chỉ mặc áo dài trong các dịp lễ, Tết hoặc lễ cưới, hỏi. Phó Giám đốc Công ty Du lịch Viettrans Nguyễn Tiến Đạt lý giải: Cộng đồng nói chung, hướng dẫn viên du lịch nói riêng, ít mặc áo dài vì gặp phải những bất tiện trong sinh hoạt, nhất là cuộc sống hiện đại. Cần phải thiết kế các mẫu áo dài sử dụng thuận tiện trong những bối cảnh khác nhau. Ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất chính quyền nên có chính sách khuyến khích người dân mặc áo dài. Chẳng hạn như không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội hiện thu hút rất đông khách du lịch, việc khuyến khích người dân đến phố đi bộ mặc áo dài, tổ chức các buổi trình diễn áo dài sẽ tạo nên những hình ảnh hấp dẫn.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết thêm, việc tổ chức lễ hội là dịp để Hà Nội xây dựng những chính sách phát huy giá trị du lịch của chiếc áo dài. Thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm, như xây dựng thêm điểm đến, tua tuyến du lịch liên quan đến áo dài, phổ cập việc mặc áo dài... nhưng bước đầu, một số nhà thiết kế tại Hà Nội đã sẵn sàng tổ chức dịch vụ homestay cho khách du lịch yêu mến chiếc áo dài. Đây sẽ là những bước đi đầu trong quá trình khai thác áo dài để phát triển du lịch.
Chí Dũng/NDĐT