Đi tìm địa danh ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 25/08/2016 10:16:55

ĐTO - Trên địa bàn tỉnh có nhiều địa danh mà không ít người vừa nghe nhắc đến thấy lạ hoặc không hiểu tại sao có những cái tên như vậy. Sau đây, xin tóm tắt những giả thuyết về tên địa danh do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cung cấp.


Vườn quốc gia Tràm Chim tại huyện Tam Nông

Trần Quốc Toản:

Năm 1960, quân đội Sài Gòn xây dựng Trung tâm Huấn luyện quân sự Trần Quốc Toản nằm giữa sông Tiền và Quốc lộ 30 ở xã Tân An (nay là phường 11, TP.Cao Lãnh), từ đó, Trần Quốc Toản trở thành địa danh cho cả khu vực này. Khi xây dựng các công trình ở đó, người ta thường gắn địa danh khu vực vào, hình thành tên công trình như: Khu Công nghiệp Trần Quốc Toản, cầu Trần Quốc Toản (cầu Chợ), bến đò Trần Quốc Toản, chợ Trần Quốc Toản.

Gò Rượu:

Gò Rượu ở ấp Công Tạo, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng. Từ xa xưa, gò này có tên là gò Cây Trôm, khoảng năm 1945, gia đình ông Nguyễn Văn Đỏ sống trên gò này, làm nghề nấu rượu - lò rượu duy nhất của làng Bình Phú lúc bấy giờ, lần hồi người ta gọi gò này là gò Rượu và tên gò Cây Trôm không còn nữa.

Cần phân biệt gò Cây Trôm nói trên khác với gò Cây Trôm ở ấp 1, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, diện tích khoảng 1ha, trên đó có cây trôm cao lớn, nhân dân gọi là gò Cây Trôm. Sau đó, ông Bảy Châu Giang (Bảy là thứ trong gia đình, Châu Giang là quê cũ của ông) đem gia đình đến khai khẩn và định cư ở đây. Ông là người có quan hệ rộng, hay làm việc thiện, được nhiều người biết đến, qua năm tháng, tên gò Cây Trôm ít được nhắc đến mà thay vào đó là gò Ông Bảy Châu Giang, về sau rút ngắn thành gò Bảy Châu Giang, lại có người nói trại thành “Bảy Trâu Rang” hoặc “Bảy Trâu Giang”.

Dứt Gò Suông:

Trước hết phải hiểu “dứt” là một loại địa danh chỉ địa hình (giống như bưng, trấp, vàm, xẻo,...), dùng để chỉ “phần đất vừa hết độ cao của gò hoặc giữa hai gò tạo nên dòng chảy giống như xẻo, rạch,...”. Loại địa danh địa hình này phổ biến ở huyện Tân Hồng (dứt Gò Suông, dứt Gò Muống, dứt Họng Giang,...). Dứt Gò Suông ở huyện Tân Hồng dài khoảng 4,5km, ngang 12m, kéo dài từ cầu Thành Lập (xã Tân Công Chí) đến gần tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (xã An Phước). Đây một cái dứt, dọc theo triền gò và dưới lòng dứt, cây suông (giống như cây nghễ, rất ngứa) mọc ken dày, có lúc ghe xuồng không qua được, thành tên Dứt Gò Suông.

Ngã ba Ông Bầu:

Về tên gọi, có hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất, ngày xưa, bên bờ rạch là gò đất cao, cây cối rậm rạp, tập trung nhiều ong bầu, nên gọi là rạch Ong Bầu, dần dần nói trại thành Ông Bầu. Rạch ông Bầu: dài 3km, từ nhánh sông Tiền chạy qua đình Mỹ Thọ đến rạch Cái Chay, ban đầu rộng khoảng 5m, thời kháng chiến được mở rộng lên 8m, đến khi thị trấn Mỹ Thọ phát triển đã bị san lấp bớt. Giả thuyết thứ hai, Bầu là tên người hoặc là ông bầu gánh hát bội, đã quy tụ dân về đây khai hoang, lập ấp. Ngã ba đường từ Quốc lộ 30 vào Tháp Mười sát bên rạch Ông Bầu nên có tên gọi ngã ba Ông Bầu.

Tràm Chim:

Trước hết, phải hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của từ “Tràm”, tuy nhiên đây lại là chủ đề gây tranh cãi chưa có hồi kết của một số nhà nghiên cứu! “Tràm” là danh từ chỉ một loại cây (cây tràm) hay là danh từ chỉ một loại địa hình (vùng trũng thấp, ngập nước lưu niên, có nhiều tràm) có nguồn gốc từ “krom” của người Khmer (còn thấy trong từ “Khmer krom” tức là Khmer ở vùng trũng thấp, ta hay nói là “Khmer hạ”) hoặc “kram” của người Mã Lai? Với nhiều địa danh có từ “Tràm” ở Đồng Tháp (tràm Sình, tràm Chim, tràm Cù Lao Dung, tràm Dơi,...) và quy luật tiếp biến văn hóa trong quá trình cộng cư của người Việt, Hoa, Khmer và cả những tộc người gốc Mã Lai thì giả thuyết sau là hợp lý hơn. Người Khmer, Mã Lai đã có nhiều từ chỉ địa hình rất đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước trong kho từ vựng của họ, và lưu dân người Việt chỉ cần “Việt hóa” nó ở mức độ mà 2 bên đều có thể hiểu được khi nói chuyện với nhau. Một số ví dụ: “bâng” trong tiếng Khmer có nghĩa là cái hồ lớn, ta gọi là “bưng”, tương tự “trốp”, “péam, piam”, “prek” của người Khmer, “kulao” của người Mã Lai thành “trấp”, “vàm”, “xẻo” và “cù lao” của người Việt.

Ở Nam bộ, nhất là ở Đồng Tháp Mười và Cà Mau, có nhiều địa danh mang từ tố “tràm”. Về mặt cấu tạo, loại địa danh có từ tố “tràm” có 2 dạng: từ tố khác + /tràm/ (Đồng Tràm, Rõng Tràm, Rạch Tràm,...), “tràm” trong dạng thức này có nghĩa là cây tràm (bách bì), và do đó Đồng Tràm có nghĩa cánh đồng có nhiều tràm; /tràm/+ từ tố khác: tràm + một loài động vật (chim, dơi,...) hoặc một dạng địa hình (sình, cù lao,...), từ tố /tràm/ trong dạng thức này có thể có nghĩa là vùng trũng thấp, vùng ngập nước, đồng nghĩa với “hõm” và “chằm”, như trong câu “Nó nằm ở chỗ đất hõm sâu”. /Tràm/ âm ra tiếng Hán - Việt là /khảm/, /chằm/hoặc /trầm/, do vậy trước đây, người Hoa thường gọi Hà Tiên là Mang Khảm (xóm dân vùng ngập nước) hoặc trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức gọi vùng Đồng Tháp Mười là “chằm Mãng Trạch”.

Như vậy, địa danh Tràm Chim có nghĩa là vùng ngập nước có nhiều chim. Nhưng trong thực tế người ta thường hiểu rằng đó là khu rừng tràm có nhiều chim, vì có sự đồng âm giữa “tràm” là “cây tràm”, “tràm” là “vùng ngập nước”, thêm vào đó ở Nam bộ, vùng ngập nước thường có rừng tràm.

Lấp Vò:

Lấp Vò xuất phát từ tiếng Khmer “Srok tak por”. “Tak por” phát âm theo tiếng Việt thành Lấp Vò, nhưng “tak por” không có nghĩa là “lấp dò” ghe thuyền, mà có nghĩa “nước sôi”. Lưu ý rằng, từ rất lâu, người Khmer ở vùng Nam bộ gần như không có mối liên hệ với chính quốc nên nhiều từ của họ không tìm thấy trong các từ điển tiếng Khmer ngày nay, do đó, nhiều địa danh do họ đặt rồi được Việt hóa, đến giờ vẫn không hiểu nghĩa của nó là gì (thí dụ: Mặc Cần Dưng ở An Giang, Mộc Rá ở Tân Hồng,...). Giống như người Việt ở Nam Bộ, người Khmer có cách đặt tên rất chân chất, “thấy sao đặt vậy”, theo kiểu: xóm có nhiều “sla tampung” (trái cau già rủ trên cây, còn gọi là cau tầm vung) thì đặt là “srok sla tampung”, người Việt phiên âm thành Lai Vung, thấy con kinh nước xoáy thì đặt là “Kanlòh” (nghĩa là “nước lộn”), ta phiên thành Cần Lố,...

Ông Lê Minh Trung - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp cho biết, quá trình biến đổi địa danh rất phức tạp, giới địa danh học vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, các địa danh trên chỉ tóm tắt những giả thuyết được nhiều người tạm thời chấp nhận cho đến nay.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn