Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Cập nhật ngày: 12/02/2014 05:17:49
Tối 11/2, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự sự kiện quan trọng này có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, cùng đông đảo các nghệ sĩ, nghệ nhân...
Về phía UNESCO, có bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội.
Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc và thống nhất trong đa dạng. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú. Trong kho tàng di sản quý báu đó có Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, vừa mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.
Đại diện các địa phương nhận Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời, đây là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới và cũng là điều kiện thuận lợi thêm để bạn bè quốc tế hiểu nhiều hơn - sâu rộng hơn về một vùng đất không chỉ anh dũng kiên cường trong đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn là một vùng quê hiền hòa, trù phú - một vùng sông nước mênh mang, lúa thơm trái ngọt và luôn đồng vọng tiếng đờn lời ca sâu nặng nghĩa tình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương lãnh đạo và nhân dân các địa phương, các nghệ sĩ, nghệ nhân và bà con ta ở nước ngoài đã gìn giữ và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều phong trào, nhiều hình thức hoạt động và giao lưu phong phú, hiệu quả. Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà nghiên cứu, các cơ quan và cán bộ quản lý, các tổ chức trong nước và quốc tế đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam, của nhân loại, trong đó có Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Văn hóa Việt Nam - cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa. Trong những năm qua, chúng ta đã chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh thành, các nghệ sĩ, nghệ nhân cùng đồng bào ta, nhất là các địa phương quê hương của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, với tất cả tình cảm và trách nhiệm, hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ để Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang đậm tính dân gian vừa mang tính bác học - luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hợp tác chặt chẽ của UNESCO và các tổ chức quốc tế trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong bảo tồn di sản văn hóa.
“Đất nước ta, nhân dân ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chúng ta càng phải giữ gìn, vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu xương để dựng xây và trao truyền lại. Phải bằng các hình thức thiết thực, sinh động, hiệu quả để những giá trị văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc ta thấm sâu vào tư duy và tình cảm của mỗi người. Người Việt Nam ta, dù ở trong nước hay đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, đều luôn luôn hướng về cội nguồn, chung sức đồng lòng xây dựng non sông đất nước. Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để nền Văn hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở. Để tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện và tỏa sáng cùng tinh hoa văn hóa nhân loại”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thay mặt Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã trao Bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.
Bà Katherine Muller Marin nhấn mạnh, đây là một minh chứng sinh động về sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới, tạo cơ hội để người dân trên toàn thế giới niềm hân hạnh được thưởng thức và hiểu rõ hơn về nền văn hóa tươi đẹp và phong phú của Việt Nam. UNESCO đánh giá cao thành công của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ văn hóa phi vật thể vào các chính sách quốc gia trong hơn một thập kỷ qua nhằm nâng cao nhận thức và hành động thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa.
“Chúng tôi hy vọng Việt Nam tiếp tục tiên phong trong các nỗ lực quốc tế nhằm đưa văn hóa thành một ưu tiên quan trọng trong Chương trình nghị sự sau 2015. UNESCO cam kết tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể…”, bà Katherine Muller Marin bày tỏ./.
Nguyễn Hoàng Nguyễn Đình Hải, Nhật Bắc(Chinhphu.vn)