Giao lưu với nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc
Cập nhật ngày: 23/04/2022 11:39:06
ĐTO - Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ nhất tỉnh Đồng Tháp năm 2022, sáng ngày 23/4, Sở Thông tin và Truyền thông, Thư viện tỉnh, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức buổi giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc với chủ đề “Văn hóa Việt – nhìn từ tiếng Việt”. Đến dự buổi giao lưu có ông Đoàn Thanh Bình – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Thư viện tỉnh và hơn 150 sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn TP Cao Lãnh.
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc (bên trái) giới thiệu về bộ sách “Văn hóa Việt - nhìn từ tiếng Việt”
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc là tác giả của nhiều tập thơ, tùy bút, biên khảo đa dạng các thể tài, lĩnh vực. Ông còn có nhiều bài viết đăng trên các tờ báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Người lao động,… về ngôn ngữ, văn hóa với văn phong dí dỏm, tạo được ấn tượng riêng với độc giả. Trong buổi giao lưu, tác giả Lê Minh Quốc chia sẻ nội dung bộ sách “Văn hóa Việt - nhìn từ tiếng Việt” với đại biểu và bạn đọc của tỉnh Đồng Tháp.
Bộ sách gồm 3 cuốn với các tựa đề: “Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm”, “Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo”, “Chơi chữ chanh chua chan chát chữ”. Theo tác giả Lê Minh Quốc, ngôn ngữ trong tiếng Việt thực sự phong phú, nhiều nghĩa, nhưng không vì thế khó hiểu nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu, phân tích và ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Bên cạnh đó, sử dụng đúng ngôn từ tiếng Việt trong ngữ cảnh phù hợp còn mang lại với sức thuyết phục cao, tạo ấn tượng khó phai với người nghe, người đọc. Qua bộ sách này, tác giả không chỉ đơn thuần nghiên cứu về tiếng Việt, mà xa hơn là làm đẹp văn hóa Việt qua góc nhìn tiếng Việt lan tỏa vẻ đẹp của tiếng “mẹ đẻ” đến với bạn đọc gần xa.
Một bạn trẻ đạt câu hỏi giao lưu với tác giả Lê Minh Quốc
Với kiến thức văn hóa ở một con người từng trải, yêu thương tiếng mẹ đẻ, văn hóa Việt, trong buổi giao lưu, Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc còn chia sẻ những nghiên cứu và hiểu biết của mình về các địa danh, nền văn hóa riêng của con người Đồng Tháp. Qua buổi giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm nhằm giúp sinh viên, học sinh của tỉnh có thêm hiểu biết và cảm thụ được vẻ đẹp về văn hóa, ngôn ngữ của người Việt, góp phần thêm yêu quý, trân trọng và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhóm PV CT-XH