Huyện Lai Vung

Giữ gìn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống trăm năm

Cập nhật ngày: 08/04/2015 13:39:57

Nghề đóng xuồng ghe ở rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung tồn tại và phát triển hơn 100 năm. Với bao thăng trầm, thay đổi, làng nghề đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là niềm tự hào vô cùng to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện Lai Vung...

Người dân làm nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài, xã Long Hậu

Theo sử sách, người khởi nghiệp là ông Phạm Văn Thuông (1875 - 1945), quê quán ấp Long Thành A, xã Long Hậu. Ông làm nghề mộc rất giỏi và mở lớp dạy học trò. Lớp thợ đầu tiên ở Bà Đài có Hai Hy, Tư Thắng, Ba Xinh, Tám Huy, Bảy Muôn, Năm Oai, Sáu Lựa... Lớp kế tiếp gồm: Tư Nửa, Năm Lừng, Bảy Lẹ. Từ những người thợ này, họ bắt đầu truyền nghề theo kiểu “cha truyền con nối” cho đến nay.

Ngày nay, nghề đóng xuồng ghe ở rạch Bà Đài có 150 hộ (thuộc 2 ấp Long Hưng 2 và Long Hòa) còn bám trụ với nghề. Qua nhiều giai đoạn, nghề đóng xuồng ghe ở Bà Đài - Long Hậu được các thế hệ con cháu đời sau giữ gìn, là nghề truyền thống lâu đời và cũng được xem là nghề “mưu sinh” của 150 hộ làm nghề nơi đây. Ngoài những người thợ đóng xuồng ghe, họ còn thuê thêm các thanh niên nông thôn làm các khâu: đóng xuồng, kéo cây, cưa cây... qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Thợ giỏi có thể đóng mỗi ngày hai chiếc xuồng loại nhỏ. Tiền công khoảng 100.000 đồng/chiếc, còn làm các khâu khác có thể 150 ngàn đồng/ngày. Hiện nay, xuồng ghe được làm bán quanh năm cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Thời điểm hút hàng nhất là mùa nước nổi, loại xuồng nhỏ khoảng 1,2m vì bà con thường sử dụng để đi giăng câu, lưới nên mặt hàng này bán rất chạy.

những người thợ làm nghề cho biết, hiện giá cả nguyên vật liệu để đóng xuồng ghe cao hơn so với trước đây, đặc biệt gỗ phải mua ở xa nên tốn nhiều chi phí, người làm nghề chủ yếu xuất công lấy lời. Dù giá cả thị trường bấp bênh nhưng người thợ vẫn gắn bó với nghề. Chú Nguyễn Thành Nam ở ấp Long Hưng 2 cho biết: “Nhà tôi làm nghề đóng xuồng ghe từ đời ông ngoại, đã 3 thế hệ. Bây giờ làm cũng khó khăn, có khi bán không chạy nhưng tôi vẫn tiếp tục truyền nghề cho con cháu để giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Được Bộ Văn hóa công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia người dân làng nghề rất vui mừng và tự hào”.

Không chỉ riêng gia đình chú Nguyễn Thành Nam, các hộ gia đình khác làm nghề đóng xuồng ghe ở rạch Bà Đài Long Hậu cũng quyết tâm giữ nghề và truyền nghề cho con cháu theo kiểu “cha truyền con nối”. Chính quyền địa phương cũng góp phần giữ gìn bảo tồn làng nghề bằng cách đưa xuồng ghe vào lễ hội văn hóa. Hàng năm, huyện tổ chức giải đua xuồng truyền thống nhân ngày lễ lớn và khuyến khích các hộ làm nghề làm những chiếc xuồng ghe, tắc ráng nhỏ làm quà lưu niệm để bán cho khách du lịch gần xa. Những chiếc xuồng ghe, tắc ráng nhỏ tham gia Hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh được du khách khắp nơi rất ưa thích.

Qua thời gian, với biết bao khó khăn nhưng người thợ đóng xuồng ghe vẫn kiên trì, vững lòng, bám trụ với nghề để sáng tạo ra những chiếc xuồng ghe đẹp, bền chắc, từ đó đưa xuồng ghe Bà Đài - Long Hậu nổi tiếng khắp nơi. “Đây không phải là làng nghề đơn thuần mà mang nét độc đáo riêng. Với nét độc đáo đó, huyện đang có lộ trình quy hoạch lại cơ sở hạ tầng giao thông để sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn và đưa làng nghề vào dự án phát triển du lịch của địa phương; thống kê những hộ làm nghề, những hộ gặp khó khăn về vốn sản xuất sẽ được hỗ trợ vốn vay để họ yên tâm làm nghề và khuyến khích hộ làm nghề đóng xuồng ghe nhỏ làm quà tặng phục vụ khách du lịch” - ông Đặng Thành Được, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ.

MỸ XUYÊN

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn