Góp phần giữ gìn giá trị lịch sử, văn hóa

Cập nhật ngày: 10/06/2015 13:17:24

Để phát triển lĩnh vực sử học tỉnh nhà, 5 năm gần đây, công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống, văn hóa thông qua các hoạt động truyền thông lịch sử, tư vấn việc trùng tu, nâng cấp các ngôi mộ xưa hay đóng góp ý kiến mở rộng các khu di tích được Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh chú trọng.


Hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức đi điền dã phục vụ cho công việc nghiên cứu

Hằng năm, Hội KHLS tỉnh đều thúc đẩy công tác bảo tồn, xây dựng và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa của tỉnh, cung cấp nhiều tư liệu quý giá cho công tác tuyên truyền về các sự kiện lịch sử cách mạng, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và đất nước. Đặc biệt, Hội còn quan tâm chú trọng đến công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội như: tư vấn việc trùng tu, nâng cấp các ngôi mộ danh nhân tại TP.Cao Lãnh, tham gia hội thảo đóng góp lịch sử xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, phản biện lịch sử truyền thống nhiều xã, phường, hội, ngành trên địa bàn tỉnh, các trận đánh lớn của Tiểu đoàn 502, bia cụ Nguyễn Sinh Sắc, ông Cả Nhì Ngưu, tượng đài kỷ niệm tập kết ở Cao Lãnh, bia ghi công hoạt động cách mạng ở hai chùa Tân Long và Hồng Liên,... Tham gia góp ý kiến về quy hoạch, kiến trúc tượng danh nhân, sắp xếp trưng bày, nội dung các bảng trích, nâng cấp lễ giỗ, mở rộng Khu di tích Gò Tháp, góp ý di dời mộ, xây dựng công viên Tiền hiền Nguyễn Tú,...

Gần đây, Hội KHLS tỉnh cũng đã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động truyền bá, phổ cập tri thức lịch sử và giáo dục truyền thống trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Hội phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp trong hoạt động, khuyến khích được việc học tập và nghiên cứu lịch sử trong học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức và trong giới sử học. Song song đó, Hội có nhiều cố gắng nghiên cứu, biên soạn công trình sử học cho tỉnh, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Hội KHLS tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc góp phần biên soạn các công trình lịch sử, đã hoàn thành, xuất bản hàng chục công trình nghiên cứu và đầu sách, trong đó phải kể đến các công trình: Hồi ký “Xứ ủy Nam bộ với chiến khu Đồng Tháp Mười huyền thoại (giai đoạn 1946 - 1949), Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Hồi ký 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954) “Đi vinh quang, ở anh dũng”, Lịch sử truyền thống và cách mạng thị xã Cao Lãnh (1930 - 2005), “Đồng Tháp đất và người” tập II, Địa danh lịch sử - văn hóa Đồng Tháp,... Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh nhà, đặc biệt là góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Như Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn