Hưởng ứng 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2021 - 28/6/2021)

Hãy giữ gìn nét đẹp đời sống gia đình

Cập nhật ngày: 25/06/2021 13:58:12

http://baodongthap.com.vn/database/video/20210625020718gia2021.mp3

ĐTO - Đất nước ta, từ xa xưa đã lấy gia đình (GĐ) làm gốc. Trải qua nhiều thế hệ, GĐ Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. GĐ đã giữ gìn, vun đắp và phát huy những giá trị quý báu như lòng yêu quê hương đất nước, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Văn hóa GĐ là nét đẹp của đời sống, nét đẹp chân chính của đời sống GĐ là mối quan hệ của các thành viên trong GĐ dù là GĐ trong xã hội truyền thống hay trong xã hội hiện đại, đó là quan hệ vợ - chồng, cha - mẹ, anh - em. Từ các mối quan hệ này mở ra mối quan hệ, trách nhiệm GĐ với đất nước, quê hương, với cộng đồng xã hội được đặt trên nền tảng giá trị nhân văn, dân chủ, trung thành và tín nghĩa với đời sống cộng đồng.


Bữa cơm gia đình - nơi giữ lửa và xây dựng gia đình hạnh phúc

Những năm gần đây, việc xây dựng GĐ văn hóa ở Đồng Tháp được xem là cơ sở, nền tảng để xây dựng ấp, khóm ngày càng phát triển. Nhiều phong trào, mô hình mang lại hiệu quả tích cực như: Xây dựng GĐ 5 không 3 sạch; câu lạc bộ GĐ hạnh phúc nuôi con thành đạt; phụ nữ giúp nhau làm kinh tế GĐ; ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu thảo hiền... Năm 2020, 100% khóm, ấp có câu lạc bộ “GĐ phát triển bền vững”; 143/143 xã, phường, thị trấn đều triển khai mô hình Phòng, chống bạo lực GĐ với 684 nhóm, đội; “Bộ tiêu chí ứng xử trong GĐ” được thực hiện thí điểm ở một số địa phương đạt kết quả cao. Qua các phong trào trên, yếu tố GĐ văn hóa đã trở thành một chuẩn mực quan trọng để góp phần đánh giá chất lượng cuộc sống hiện tại. Công tác xây dựng và xét công nhận danh hiệu GĐ văn hóa được thực hiện lồng ghép với danh hiệu GĐ học tập, số lượng được tăng hàng năm, chất lượng từng bước được nâng lên, phần đông GĐ được cải thiện đáng kể về đời sống vật chất, tinh thần.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển theo nền kinh tế thị trường, có nhiều thời cơ và thách thức. Đời sống vật chất, tinh thần của đại GĐ Việt Nam được nâng lên đáng kể, nhưng cũng nảy sinh những thách thức đối với hạnh phúc và sự bền vững của GĐ Việt Nam nhất là sự tác động của môi trường xã hội hiện đại. Những kênh thông tin xấu, văn hóa nước ngoài không lành mạnh, các tệ nạn xã hội, của công nghệ số và mạng xã hội, thời gian mà mọi người dành cho GĐ ít hơn dành cho công việc, mưu sinh... đã tác động nhiều đến xã hội, văn hóa, đạo đức, tình cảm, tâm lý, làm cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong GĐ lỏng lẻo, bất an, truyền thống tốt đẹp trong GĐ bị phá vỡ, đạo đức, lối sống xuống cấp. Những thách thức này đều nằm trong GĐ, nhiều người chuyển hóa theo trào lưu và sự đòi hỏi thúc bách của cuộc sống chạy theo vật chất mà bỏ rơi vẻ đẹp tinh thần, bỏ rơi nếp sống văn hóa GĐ. Nhiều người xa rời chức năng, trách nhiệm làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị; bổn phận của con cháu đối với ông bà, cha mẹ bị xem nhẹ. Không dành thời gian nhất định, cần thiết cho việc xây dựng, củng cố, giữ gìn nề nếp, gia phong. Sự lỏng lẻo, lãng quên ấy dẫn đến hệ quả là con cái hư hỏng, học hành lơ là, bị cuốn vào tệ nạn xã hội, đua đòi hưởng thụ ăn chơi, sống vội, yêu thử, sống ảo, vô tâm với người trong GĐ và xã hội. Đã diễn ra nhiều trường hợp đau lòng về sự đối xử nhẫn tâm, bất hiếu với cha mẹ, ông bà, anh em vì một sự tranh chấp, phụng dưỡng; bạo lực trong GĐ, xâm hại đối với trẻ em... đưa GĐ đến tan nát, chao đảo.

Trong thời gian tới, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải tăng cường, quan tâm nhiều hơn đến công tác xây dựng GĐ, vì GĐ là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người và GĐ cũng là tế bào của xã hội. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong GĐ giúp các thành viên trong GĐ hiểu được đạo lý, trung hiếu, tiết nghĩa, hòa thuận, thương yêu nhau. Mỗi thành viên biết hướng thiện, cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng mực, có lối sống lành mạnh; giáo dục nề nếp gia phong, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của GĐ, con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ; ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội.

ĐỒNG DAO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn