Học giả An Chi với đời sống học thuật

Cập nhật ngày: 09/09/2012 07:05:07

Sinh thời, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng có một bài viết về giới khoa học xã hội nước ta, trong đó người duy nhất không học hàm học vị mà ông nói tới với sự nể trọng là học giả An Chi. Cuối tháng 8-2012, một bộ phim tài liệu về An Chi do đạo diễn Lư Trọng Tín của HTV thực hiện đã được trình chiếu, gây xúc động người xem về một tấm gương tự học và có nhiều đóng góp cho khoa học…

Học giả An Chi còn có bút danh quen thuộc Huệ Thiên, tên thật là Võ Thiện Hoa là người Sài Gòn chính hiệu. Quê quán của ông thuộc xã Bình Hòa , tỉnh Gia Định, nay thuộc quận Bình Thạnh, TPHCM. Ông sinh ngày 27-11-1935, trong một gia đình yêu nước, thời chống Pháp là học sinh kháng chiến. Năm 1954, ông vượt tuyến ra Bắc, tiếp tục học tập và làm việc…


Học giả An Chi (trái) với nhà văn Trần Kim Trắc

Thời gian ở Hà Nội, ông được vận động tham gia lực lượng thanh niên xung phong rồi làm công nhân. Mãi sau ông được ghi danh học lớp sư phạm trung cấp, ra trường được phân công về dạy học ở Thái Bình. Chính trong thời gian vật lộn với nghề gõ đầu trẻ đầy gian khó giữa nơi heo hút, chàng thanh niên Sài Gòn đã bắt đầu tự học và tích lũy kiến thức phong phú cho mình.

Theo nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, người gốc Thái Bình hiện sống ở TPHCM, ngày ấy ở Thái Bình giới văn nghệ, trí thức không ai không biết Võ Thiện Hoa, tức An Chi sau này. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng nói: “Ông là “đặc sản” của Thái Bình đấy. Uyên bác thì khỏi nói rồi, mà dường như vẫn giữ được cái khí phách của người quân tử”! Và cũng chính thời gian ở quê lúa nổi tiếng của đồng bằng phía Nam sông Hồng, chàng trai say chữ có tên như phái đẹp Võ Thiện Hoa đã âm thầm đi vào nghiên cứu từ nguyên học…

Miền Nam giải phóng. Trên chuyến tàu Thống Nhất, ông đã rời miền Bắc trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đoàn tụ với mẹ già và người thân mỏi mòn chờ đợi. Ông lại lao vào công việc dạy học và nghiên cứu. Nhờ đó, đời sống học thuật đã xuất hiện một học giả tài năng Huệ Thiên - An Chi.

Có thể nói, sự xuất hiện đầy bất ngờ của học giả An Chi từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đã trở thành niềm phấn khích của nền học thuật Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực từ nguyên học.

Những phản biện về ngôn ngữ và lịch sử của An Chi đề cập từ những vấn đề căn bản, phổ cập của đời sống tới những vấn đề nan giải của học thuật. Ông không ngại đụng chạm đến những kiến giải sai lầm của các “cây đa cây đề” mà trước đó khá lâu giới nghiên cứu dường như tránh đề cập đến, mục đích cuối cùng là tìm ra sự đúng đắn, chân xác khoa học.

Học giả An Chi đã thổ lộ: “Tôi cho rằng giới khoa học nước nhà có không ít người để cho ta cảm phục, nhưng riêng tôi, vì ít tiếp xúc và chỉ tiếp xúc với những người của giới ngữ học (hoặc tên tuổi của họ qua sách vở) nên cái nhìn của tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực này. Hai người mà tôi cảm phục nhất thì thứ nhất là nhà ngữ học kiệt xuất Cao Xuân Hạo và thứ hai là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Chia sẻ với tôi về học thuật thì cho đến nay vẫn là nhà ngữ học Phạm Đức Dương và tiến sĩ Hoàng Dũng. Tôi rất kính trọng hai vị này về mặt khoa học”.

Bây giờ, dù tuổi đã gần bát tuần, nhưng có những đêm học giả An Chi vẫn thức đến 2 - 3 giờ khuya để hoàn thành một bài viết hay triển khai một ý tưởng, tiểu luận dở dang. Tủ sách của An Chi chứa đầy sách quý và đây là một trong những thư viện gia đình hiếm có ở nước ta.

Cùng với những bậc thức giả đáng kính, An Chi đã và đang để lại dấu ấn của mình cho đời sống học thuật nước nhà, với nỗ lực tự học vươn lên không ngừng, là tấm gương sáng cho giới trẻ hôm nay.

ĐH (Theo Phan Hoàng-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn