Hữu ích thư viện cho người khuyết tật - khiếm thị

Cập nhật ngày: 19/09/2016 14:10:15

ĐTO - Tháng 6/2016, Thư viện tỉnh Đồng Tháp mở cửa Phòng phục vụ dành cho người khuyết tật - khiếm thị (KT-KT); sau gần 3 tháng đi vào hoạt động thử nghiệm, mô hình này đang cho thấy những tín hiệu tích cực.


Thủ thư Trần Thái Hòa giới thiệu tủ sách phục vụ người khuyết tật - khiếm thị

Phòng đọc sách, khai thác thông tin, tư liệu dành cho người KT-KT của Thư viện tỉnh Đồng Tháp có 20 chỗ ngồi, được trang bị 1.000 bản sách các loại, hơn 500 bản sách chữ nổi (Raille) và 200 đĩa CD (dạng sách nói); 6 hệ thống máy tính có dung lượng lớn, cài đặt phần mềm dành cho người khiếm thị, cung cấp thiết bị phụ trợ là tai nghe. Đội ngũ nhân viên thư viện cũng được đào tạo phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của người khiếm thị, ngoài ra cán bộ thư viện còn hướng dẫn người KT-KT cách làm những sản phẩm khéo tay như hoa hồng giấy, hoa bằng vải voan, các sản phẩm từ hạt cườm...

Từ ngày mở cửa đến nay, Phòng phục vụ dành cho người KT-KT được xem là nơi “truyền ngọn lửa” ham học cho những hoàn cảnh đặc biệt. Cô Trần Thị Lạ - Chủ tịch Hội Người mù huyện Hồng Ngự, đang theo học lớp hướng dẫn sử dụng máy tính, truy cập Internet tâm sự: “Tham gia công tác Hội từ năm 2009, tôi luôn mong muốn được học tập, nâng cao trình độ phục vụ cho công tác chuyên môn nhưng không có điều kiện. Biết Thư viện tỉnh mở cửa Phòng phục vụ dành cho người KT-KT, tôi tranh thủ thời gian để đến đây học vi tính. Theo tôi, việc mở cửa phục vụ cho người KT-KT cần thiết, đầy ý nghĩa, có thể giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt như chúng tôi có cơ hội học tập nâng cao kiến thức”. Hiện tại, có gần 20 người KT-KT đang là bạn đọc thân thiết của thư viện. Họ thường xuyên đến đọc sách, vui chơi, chơi cờ tướng và học đánh máy tính, nghe nhạc online...


Người khuyết tật - khiếm thị đến học cách sử dụng máy tính, truy cập Internet tại Thư viện tỉnh

Thủ thư Trần Thái Hòa - người trực tiếp phụ trách và hướng dẫn cho người KT-KT cho biết: “Bản thân tôi là một người KT nên hiểu rõ tâm tư tình cảm của những người có hoàn cảnh giống mình. Điều quan trọng nhất, khi hướng dẫn các thao tác trên máy tính cho người không thấy ánh sáng thì người dạy cần phải kiên nhẫn, không được nản lòng. Chính vì điều này mà chỉ trong thời gian ngắn, một người mù chưa biết máy tính là gì cũng có thể thực hiện thao tác đánh chữ, xem tin tức, nghe nhạc...”.

Nói về ý nghĩa của Phòng phục vụ dành cho người KT-KT, bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Thư viện Đồng Tháp cho biết: “Mục đích chính của thư viện là phục vụ bạn đọc nhu cầu học tập, tìm hiểu kiến thức, thu thập thông tin, qua đó có thể phát triển toàn diện. Vì vậy, đối tượng KT-KT cũng cần được thụ hưởng những lợi ích như thế. Trước đây, do chưa có điều kiện nên Thư viện tỉnh chưa thể triển khai hoạt động này. Từ ngày có trụ sở mới, cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị, chúng tôi đã thử nghiệm mô hình này với mong muốn giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn có cơ hội phát triển, hòa nhập cộng đồng”.

Sau thời gian mở cửa hoạt động thử nghiệm Phòng phục vụ cho người KT-KT, dự kiến ngày 28/9 tới, Thư viện Đồng Tháp sẽ chính thức cho ra mắt mô hình phục vụ chuyên biệt này.

Phước Lộc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn