Khởi động lại phong trào sáng tác tiểu thuyết khu vực

Cập nhật ngày: 02/01/2013 05:42:39

Trước và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phong trào sáng tác tiểu thuyết khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển mạnh. Nhiều tác giả như: Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Nguyễn Chánh Sắt, Sơn Nam,... để lại nhiều tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc.


Nhà phê bình văn học Lê Quang Trang phát biểu
đánh giá các tác phẩm dự thi

Kế tiếp là Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Lê Văn Thảo, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Khai Phong,... Bẵng đi một thời gian, ĐBSCL mới xuất hiện một số cây bút trẻ như: Anh Đào, Diệp Mai (Kiên Giang), Phạm Thị Ngọc Điệp (Bến Tre), Trương Thanh Hiền (An Giang), Nguyễn Phước Thảo (Đồng Tháp),... Nhưng nhìn chung phong trào sáng tác tiểu thuyết thời gian gần đây ở ĐBSCL có sự trầm lắng.

Để ngày càng nhiều tác giả viết tiểu thuyết, năm 2010, lần đầu tiên Cuộc thi Tiểu thuyết ĐBSCL được tổ chức do Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp đăng cai. Cuộc thi kéo dài đến hết tháng 6/2012. Theo Ban tổ chức cuộc thi, 23 tác phẩm của 20 tác giả, trong đó có ba tỉnh không có tác giả tham gia là Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu; mỗi tỉnh, thành còn lại có từ 1 đến 4 tác phẩm tham gia. Mặc dù chưa thật sự như kỳ vọng ban đầu, nhưng so với tình hình phát triển của văn học khu vực ĐBSCL nói chung và thể loại tiểu thuyết nói riêng như hiện nay thì đây là một tín hiệu đáng mừng có thể xem là thành công lớn mà cuộc thi đã mang lại.

Theo Ban giám khảo cuộc thi, cấu trúc, cách chọn lọc tình huống, chi tiết, xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ trong nhiều tác phẩm tương đối rõ. Phương thức thể hiện trong các tác phẩm dự thi cũng rất đa dạng. Bên cạnh số đông vẫn theo cách viết truyền thống, một vài tác giả có cách thể hiện mới, mỗi tác phẩm đều có “hương vị riêng” mang đến cho người đọc những cảm xúc thú vị.

Hạn chế trong nhiều tác phẩm dự thi là sự dàn trải, một vài tác phẩm có lẽ do chưa nhận thức rõ đặc trưng của tiểu thuyết và ký sự nên mạch văn nặng về kể việc và bình luận trực tiếp chứ chưa chú ý đến kể, dựng câu chuyện.

Nhà phê bình văn học Lê Quang Trang, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết, lần đầu tiên tổ chức cuộc thi tiểu thuyết ở khu vực ĐBSCL nên khó tránh khỏi khiếm khuyết. Song, có được kết quả như hôm nay cũng là đáng mừng, vì những tác phẩm thành công đã góp một vốn quý vào mảng văn học của vùng đất đồng bằng này và cả nước, mà ngay những tác phẩm chưa đạt giải cũng có thể rút tỉa được nhiều bài học cho cuộc thi lần sau.

Cuộc thi Tiểu thuyết ĐBSCL khép lại với 9 giải thưởng được trao tặng gồm 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích. Cuộc thi giúp cho Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành trong khu vực có dịp nhìn lại lực lượng viết văn để phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu trong thời gian tới.

Hữu Nghĩa

Các tác phẩm đạt giải Cuộc thi Tiểu thuyết ĐBSCL lần thứ I gồm 2 giải Nhì: “Tha La bến đá” của Trần Đắc Hiển Khánh (Sóc Trăng), “Rừng dừa sông Ba Lai” của Lê Văn Phúc (Bến Tre). Giải Ba: “Tiếng trống giục bình minh” của Nguyễn Trân (Vĩnh Long), “Đất Thiêng” của Phan Thanh Tâm (Cà Mau), “Vây giữa đời người” của Hồ Tĩnh Tâm (Vĩnh Long). Các tác phẩm “Người cận vệ” của Trần Thanh Hà (Đồng Tháp), “Hoa tràm nở muộn” của Phạm Anh Hoan (Cà Mau), “Bến Quê” của Hồ Thúy An (Vĩnh Long), “Chợ quê” của Nhật Hồng (thành phố Cần Thơ) đạt giải Khuyến khích. Cuộc thi lần này không có tác phẩm đạt giải Nhất.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn