Khu di tích Gò Tháp đóng góp một số lượng lớn nguồn sử liệu vật thật cho công tác nghiên cứu văn hóa Óc Eo
Cập nhật ngày: 27/01/2022 06:11:28
ĐTO - Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) có diện tích gần 300ha. Đây được xem là nơi hội tụ của nhiều giá trị to lớn về văn hóa, khảo cổ và lịch sử mà các bậc tiền nhân đã chọn trao cho “Đất Sen hồng - Đồng Tháp”. Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp được các nhà khảo cổ học xác định là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng thời văn hóa Óc Eo và là thủ phủ của một tiểu quốc thuộc Vương quốc Phù Nam ở Nam bộ.
Đại diện Viện Khảo cổ học cùng ngành chức năng tỉnh và huyện Tháp Mười khảo sát thực tế việc khai quật tại Đìa Phật (Khu di tích Gò Tháp)
Theo kết quả điều tra, khảo sát, thăm dò và khai quật tại Khu di tích Gò Tháp từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng chục di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng: đền thần, ao thần, xưởng chế tác, tượng thần Hindu giáo, trong đó có 2 tượng thần Vishnu được thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Qua các đợt thăm dò và khai quật khảo cổ, Khu di tích Gò Tháp đã đóng góp thêm một số lượng lớn nguồn sử liệu vật thật cho công tác nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, phục vụ công tác trưng bày, giáo dục, nghiên cứu toàn diện về lịch sử - xã hội - văn hóa - tộc người không chỉ ở Đồng Tháp mà còn cho cả Nam bộ và cả nước.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang tham mưu UBND tỉnh nâng tầm giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, hướng đến danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. Được biết, từ năm 2009 UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Dự án “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp” để xây dựng Gò Tháp thành trung tâm văn hóa - du lịch của tỉnh. Đặc biệt, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả công tác thăm dò, khai quật khảo cổ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp năm 2021.
Theo đó, qua khai quật khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật có giá trị, từ đó khẳng định Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp là một trung tâm tôn giáo, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của Vương quốc Phù Nam, là tiền đề để xây dựng hồ sơ khoa học vinh danh quần thể văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp là di sản văn hóa thế giới. Có thể nói Dự án “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp” thu hút đông đảo du khách đến tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, khảo cổ... ở nơi đây.
Từ những thành công cũng như những hạn chế của dự án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất các hạng mục cần đầu tư phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm khai thác tối đa những giá trị, tiềm năng và thế mạnh riêng biệt về lịch sử, khảo cổ và văn hóa tâm linh của Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, từng bước đưa nơi đây thành trọng điểm du lịch của tỉnh với chủ đề “Vương quốc sen, văn hóa, tâm linh và Thiền học” đã được xác định trong đề án của tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả công tác thăm dò, khai quật khảo cổ năm 2021 và rà soát việc thực hiện “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp”. Theo đó, Viện Khảo cổ đã khai quật tại 3 khu vực gồm: Gò Mộ, Tây Gò Tháp 10 và Đìa Phật với tổng diện tích 500m2 với 6 hố, trong đó Gò Mộ có 3 hố, Tây Gò Tháp 10 có 1 hố, Đìa Phật có 2 hố. Thông qua khai quật tại các vị trí trên đã phát lộ tổng cộng 17 di tích gồm: dải gạch xây nghiêng, nền gạch kiến trúc, tường gạch kiến trúc, cột gỗ, hố cột và các dải gạch đầm nền. Ngoài những di tích xuất lộ trong hố, Viện Khảo cổ còn phát hiện rất nhiều di vật gồm nhiều loại hình như: gạch, đá, đồ gốm đất nung, đồ gốm men, mảnh tô... đã đóng góp thêm một số lượng lớn nguồn sử liệu vật thật cho công tác nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam ở Nam bộ.
|
DŨNG CHINH