Kỷ vật của những người làm báo
Cập nhật ngày: 20/06/2016 13:12:06
ĐTO - Một tờ báo phát hành cách đây tròn 45 năm, máy ảnh tác nghiệp, thùng chứa tài liệu quan trọng viết báo,... và sau này là những chiếc máy ảnh, máy ghi âm, hình ảnh, thiết bị nhận tin nhắn của phóng viên đang được trưng bày tại Báo Đồng Tháp là những kỷ vật vô cùng quý được các nhà báo hiến tặng.

Các hiện vật được các cô, chú làm báo trao tặng
Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 và 40 năm thành lập Báo Đồng Tháp, Chi đoàn Báo Đồng Tháp đã tổ chức sưu tầm tư liệu, kỷ vật của nhà báo, cộng tác viên qua các thời kỳ, để khi có điều kiện sẽ lập góc truyền thống.
Tham gia sưu tầm, tất cả đoàn viên đã liên hệ được trên 40 cô, chú từng là phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Báo và người thân của các nhà báo. Mỗi nơi chúng tôi tìm đến hoặc liên hệ qua điện thoại (do có nhiều cô, chú ở ngoài tỉnh) đều nhận được sự vui mừng xen lẫn xúc động của cô chú khi biết Chi đoàn Báo Đồng Tháp có ý định lập góc truyền thống.
Chúng tôi không khỏi bất ngờ những hiện vật có cách đây gần nửa thế kỷ nhưng vẫn được các cô, chú giữ gìn cẩn thận. Và bất ngờ hơn, những hiện vật là những kỷ niệm được các cô, chú quý hơn vàng nhưng khi nghe chúng tôi bày tỏ nguyện vọng sưu tầm thì các cô, chú đã sẵn sàng hiến tặng tất cả.
Cầm trên tay những kỷ vật mà mình lưu giữ suốt 44 năm qua, nhà báo Nguyễn Văn Thi, trước đây công tác tại Tiểu ban Thông tấn Khu 8 bùi ngùi nhớ lại một thời gắn bó trong quá trình tác nghiệp. Đó là máy ảnh PEN-EE 679866 (Nhật Bản) do gia đình dùng vàng để mua năm 1972 gửi tặng chú để phục vụ công tác báo chí thời chiến. Đó là thùng chứa đạn - chiến lợi phẩm thu được từ quân Mỹ, được nhà báo mang theo trong những chuyến công tác. Bên trong thùng chứa dụng cụ cá nhân phục vụ cho công việc, giấy tờ, viết, tư liệu quan trọng. Khi gặp nguy hiểm, để giữ bí mật, thùng được nhấn chìm xuống sình.
Hay những vật dụng sinh hoạt gắn bó thường ngày như ca Inox - chiến lợi phẩm thu được từ quân Mỹ, được nhà báo dùng để ăn cơm, uống trà, đun nấu; kẹp rút quay dép râu (dụng cụ dùng thay quay dép râu thời chiến) lúc nào nhà báo cũng mang theo vì thường đứt quay dép do phải lội sình liên tục.
Có những kỷ vật mà thế hệ những người làm báo trẻ của chúng tôi vài lần được nghe đồng nghiệp mình nhắc đến nhưng thật sự không thể nào hình dung ra được. Đến khi trực tiếp nhìn thấy và chạm vào các kỷ vật khiến chúng tôi thấy khâm phục những cô, chú làm báo qua các thời kỳ. Không ít những hiện vật theo thời gian bị mục, gỉ sét nhưng các cô, chú vẫn cất giữ cẩn thận. Như 3 tờ Báo Cờ Giải Phóng phát hành từ năm 1971 - 1973 - tiền thân Báo Đồng Tháp do cụ Huỳnh Công Toại, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Kiến Phong (Tiểu Ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Kiến Phong) lưu giữ. Kỷ vật được nhà báo, nhà văn Huỳnh Công Trường là con của nhà báo Huỳnh Công Toại hiến tặng. Đây được xem là tờ báo lâu đời nhất mà chúng tôi sưu tầm được cho đến thời đểm này.
“Dù dời nhà nhiều lần, có vài trang báo bị mục nhưng tôi vẫn giữ lại các tờ báo và cho vào túi ni lông đặt cẩn thận trên kệ sách vì đây là vật lưu niệm của ba và thấy đây cũng là tư liệu quý. Bây giờ tôi thấy ở Báo Đồng Tháp có nơi lưu giữ tốt hơn, xin được trao lại cơ quan đã làm nên tờ báo ấy để thế hệ làm báo sau này biết” - nhà báo, nhà văn Huỳnh Công Trường chia sẻ.
Quá trình sưu tầm kỷ vật, chúng tôi cũng nhận được những tình cảm hết sức chân thành của các cô, chú từng một thời gắn bó với Báo Đồng Tháp. Đồng chí Nguyễn Đắc Hiền - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mang đến tận Tòa soạn trao bản sao Báo Cờ Giải Phóng phát hành năm 1974; chú Cường khi nghe tin các bạn trẻ sưu tầm hiện vật đã đến Tòa soạn trò chuyện với chúng tôi và cho biết sẽ mang trao tặng kỷ vật là chiếc khăn và sổ tay phóng viên khi còn tác nghiệp trong thời chiến mà chú đã lưu giữ hơn 40 năm.
Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi cũng hết sức vui mừng khi tìm gặp Quyết định thành lập Báo Đồng Tháp do nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thế Hữu ký vào ngày 17/8/1976. Rồi các kỷ vật là máy quay phim hiệu JVC, năm 1990 được UBND huyện Cao Lãnh tặng Báo Đồng Tháp để quay tư liệu, sự kiện của huyện, máy ghi âm phục vụ phóng viên Phòng Bạn đọc - Báo Đồng Tháp dùng để tác nghiệp vào những năm 1990, máy ảnh PENTAX, đèn Flash Nikon do Báo Đồng Tháp trang bị cho phóng viên tác nghiệp vào những năm đầu thành lập Báo, máy nhận tin nhắn do Báo trang bị cho nhà báo Nguyễn Hồng Tư - Phó Tổng biên tập Báo dùng để giữ liên lạc với cơ quan khi đi công tác.
Không chỉ là vật vô giá, những kỷ vật ấy nhắc nhớ mỗi chúng ta không thể quên một thời gian khó, nguy hiểm của các cô, chú làm báo để kịp thời truyền đi những thông tin chính thống trên nhiều mặt của đời sống đến cán bộ, nhân dân. Chi đoàn Báo Đồng Tháp sẽ trân trọng giữ gìn và tiếp tục sưu tầm, tiếp nhận những kỷ vật mà các cô, chú tin tưởng hiến tặng.
Hữu Nghĩa