Diễn đàn

Lễ hội lúa - nên chăng?

Cập nhật ngày: 25/07/2022 10:27:36

ĐTO - Đồng Tháp vừa tổ chức rất thành công Lễ hội Sen (tháng 5/2022) và Lễ hội Xoài (tháng 7/2022).

Từ Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài, tác giả bài viết này chạnh nghĩ, Đồng Tháp là 1 trong 2 tỉnh có nền nông nghiệp và sản lượng lúa lớn nhất nước, vả chăng có thể tổ chức một lễ hội tương tự mang tên Lễ hội Lúa với mục đích như Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài?

Thoạt nghe, có thể nhiều người sẽ cho là nhảm nhí, tào lao, bởi lúa quá quen thuộc, gần gũi và thường đã xuất hiện điểm xuyết trong ít nhiều các sự kiện, các hội hè từ xưa đến nay ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, nếu tịnh tâm xét kỹ, quả thật, tổ chức một Lễ hội Lúa sau Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài chắc chắn sẽ là một việc rất đáng làm, qua đó, tạo ra một sự kiện “nguyên chất”, chính thức, toàn diện, nâng cao... chỉ để tôn vinh cây lúa, hạt gạo và các sản phẩm từ lúa gạo, cũng như tôn vinh nền nông nghiệp, nông thôn và nhà nông tỉnh nhà.

Có thể sẽ có nhiều ý tưởng, ý nghĩa thực tiễn và nhân văn xuất hiện trong Lễ hội Lúa tại một địa phương trồng lúa hàng đầu như Đồng Tháp. Ở bài viết nhỏ này, tác giả chỉ mạo muội nêu ra mấy nét sau đây:

Thứ nhất, Lễ hội Lúa chắc chắn sẽ là một trong những dịp tốt nhất để sơ kết, đánh giá thành quả, thành tựu, chất lượng của tiến trình canh nông của một nền nông nghiệp tại một địa phương, đồng thời là dịp tốt nhất để giới thiệu các sản phẩm từ cây lúa. Việc này, trong các triển lãm về thành tựu nông nghiệp cũng đã từng diễn ra ngay ở Đồng Tháp, trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước. Tuy nhiên, xét cho cùng, đó mới chỉ là triển lãm, chủ yếu giới thiệu sản phẩm mang màu sắc thương mại. Còn xuất hiện ở trong Lễ hội Lúa, tính chất sẽ rất khác. Ở đây, với hai sắc độ “lễ” và “hội”, cây lúa và các sản phẩm từ lúa gạo không quá thiên về thương mại, tức thiên về giá trị vật chất mà quan trọng và chủ yếu hơn là thiên về giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, tức chỉ nhằm vào mục đích tôn vinh, ca ngợi là chính. Thật vậy, lâu nay, trong chúng ta, không ai là không “đội ơn” và ca ngợi cây lúa, nhưng để có một lễ hội đích thực, qua đó tôn vinh cây lúa (như các lễ hội dân gian) thì chưa, ít nhất là từ sau Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài. Nói đến Đồng Tháp chủ yếu là nói đến lúa và sen. Lễ hội Sen có rồi, hy vọng Lễ hội Lúa cũng sẽ xuất hiện...

Thứ hai, tổ chức Lễ hội Lúa không chỉ tôn vinh, ca ngợi cây lúa mà còn tôn vinh, ca ngợi nhà nông. Điều này, hàng năm, trong các đại hội biểu dương gương điển hình về sản xuất nông nghiệp đều đã có. Nhưng để biểu dương tất cả nhà nông, kể cả người tiêu biểu và chưa tiêu biểu thì chúng ta mới chỉ dừng trên văn bản, văn học - nghệ thuật, báo chí... Có thể nói, Lễ hội Lúa chính là dịp để mọi người biết ơn tất cả nông dân, với tư cách, đây là ngày hội của chính họ. Ở một khía cạnh khác, thông qua Lễ hội Lúa, chắc chắn mọi người sẽ hiểu thêm, hiểu sâu hơn về “tam nông”. Trong thời đại mới, những thành ngữ nhà nông quen thuộc như: “một nắng, hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”... sẽ được nhìn nhận dưới góc độ khác hơn, nhân văn và hiện đại hơn.

Thứ ba, Lễ hội Lúa là dịp để tuyên truyền, quảng bá về nông nghiệp sạch, về du lịch xanh nông dân... Chúng ta đều biết, nông nghiệp sạch (không dùng thuốc trừ sâu, không hoặc ít dùng phân hóa học...) đang là một xu thế tất yếu của thời đại. Lễ hội Lúa chắc chắn sẽ là dịp để nhà nông nhận thức rõ hơn, qua đó, thực hiện tích cực hơn về một nền nông nghiệp xanh, bảo vệ ruộng vườn, bảo vệ môi trường sinh thái, khước từ mạnh mẽ phương thức canh tác cũ, tồn tại hàng trăm, hàng chục năm nay. Lễ hội Lúa cũng là dịp quảng bá, mời gọi mọi người đến với du lịch xanh nông dân (du khách thực hành làm nhà nông) như là một trong những hình thức du lịch phát triển và “ăn khách” nhất hiện nay.

Thứ tư, Lễ hội Lúa cũng là dịp để giới thiệu một cách tốt nhất với mọi người và bè bạn về mô hình hội quán nông dân ở Đồng Tháp. Đây là một mô hình độc đáo, chỉ mới xuất hiện ở Đồng Tháp, trong đó, điều nổi bật nhất là nông dân được làm chủ quá trình sản xuất, kinh doanh của mình một cách đích thực trong sự hợp tác triệt để giữa các nhà nông, giữa nhà nông với các thiết chế khoa học - công nghệ, giữa nhà nông với thương lái hay doanh nghiệp thu mua sản phẩm... Thành quả của mô hình này rất cần được nhân rộng ra toàn tỉnh và các tỉnh, thành bạn. Lễ hội Lúa chính là một trong những dịp tốt nhất để Đồng Tháp quảng bá, chia sẻ mô hình hội quán nông dân, trong hai đặc trưng “lễ” và “hội” của nó.

Đương nhiên, nếu tổ chức, trong Lễ hội Lúa còn có sự tham gia của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, nhất là các tỉnh, thành có nền nông nghiệp và canh tác cây lúa phát triển mạnh. Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng vẫn là một quốc gia, một tỉnh nông nghiệp, trong đó, canh tác cây lúa là chủ yếu. Chúng ta đi lên từ nền nông nghiệp lúa nước và vẫn đang xây dựng, phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên cơ sở nền nông nghiệp lúa nước. Một Lễ hội Lúa ra đời, có lẽ không phải là điều gì quá viễn vông, ảo tưởng. Tổ chức thành công Lễ hội Sen chính là một khơi gợi thấm đẫm tính thực tiễn...

Bên cạnh Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài, một Lễ hội Lúa được tổ chức thường niên hoặc vài năm một lần sẽ là sự kiện trọng đại, hoành tráng, qua đó, tôn vinh cây lúa, hạt gạo và “tam nông” như là một lễ hội dân gian độc đáo trong thời hiện đại.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn