Một số vấn đề về giá trị gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Cập nhật ngày: 08/09/2024 05:25:44
ĐTO - Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi hình thành nhân cách của mỗi con người. Trong giai đoạn hiện nay, hệ giá trị gia đình Việt Nam đang dần biến đổi, do đó cần phải làm gì để giữ gìn và phát huy giá trị gia đình truyền thống, đồng thời tiếp cận hệ giá trị gia đình hiện đại?
Hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới trong nhà trường
Hiện nay, trước tác động nhiều mặt của xã hội, hệ giá trị gia đình Việt Nam truyền thống đang có những biến đổi mạnh mẽ, có thể thấy xu thế hội nhập, cơ chế vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tác nhân quan trọng làm biến đổi các giá trị gia đình Việt Nam.
Nền kinh tế thị trường tạo nhiều cơ hội để phát triển đất nước, nâng cao thu nhập, mức sống người dân, đồng thời tạo điều kiện cho gia đình có cuộc sống ấm no, con cái được chăm sóc, thụ hưởng tốt hơn. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, mọi cá thể của nền kinh tế vì mục tiêu lợi nhuận sẽ tạo nên một xu thế đề cao lợi ích, làm biến chất các mối quan hệ truyền thống, giá trị lợi ích sẽ được đặt lên trên, từ đó con người sống với nhau trở nên vô cảm và ít chia sẻ, cấu trúc quan hệ trong xã hội cũng biến đổi so với truyền thống tình làng nghĩa xóm như xưa và cấu trúc quan hệ trong gia đình cũng biến đổi theo.
Xu thế hội nhập là xu thế chính trong giai đoạn hiện nay. Xu thế hội nhập mở ra nhiều cơ hội để chúng ta tiếp cận với thế giới, học tập kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho Nhân dân, mang về cơ hội để phát triển đất nước, địa phương. Song, bên cạnh những tác động tích cực ấy, hội nhập cũng mang về những nét văn hóa mới, sự du nhập nhiều luồng văn hóa, tư tưởng ngoại lai, nhiều trào lưu mới đã ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình Việt Nam. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình truyền thống bị mai một, biến dạng, quan hệ của các thành viên trong gia đình có những biến đổi nhất định, sự chia sẻ, trao đổi giữa các thành viên trong gia đình ít đi; con cái với cha mẹ, ông bà xuất hiện những bất đồng trong tiếp cận những giá trị văn hóa mới từ hội nhập.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, con người được đặt vào môi trường công nghiệp, văn hóa đô thị đã thúc đẩy mỗi cá nhân thích ứng với tác phong công nghiệp, thời gian làm việc trong công xưởng, nhà máy nhiều hơn, thời gian các thành viên gia đình bên nhau ít lại, việc xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên khó khăn hơn, cha mẹ ít có thời gian chăm lo, nuôi dạy con cái, có trường hợp cha mẹ phải rời bỏ quê hương để đi làm trong các khu công nghiệp, con cái để lại cho ông bà chăm sóc, điều đó dẫn đến sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo.
Phụ huynh tham gia tiết sinh hoạt lớp cùng các em học sinh
Những yếu tố tác động đã tạo ra sự biến đổi trong quan hệ gia đình và việc thực hiện các chức năng của gia đình đang đặt gia đình Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn: tỷ lệ ly hôn, ly thân tăng; người trẻ không muốn kết hôn; mẹ đơn thân; bố đơn thân; hiện tượng “sống thử” xuất hiện và ngày càng lan rộng trong giới trẻ. Trước những thách thức đó, Đảng ta xác định phải “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”. Muốn làm được điều đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, giáo dục trong gia đình, cố kết cộng đồng. Giáo dục gia đình cần chú trọng truyền đạt các giá trị như: gia đạo, gia lễ và gia phong, giúp duy trì tôn ti, trật tự và gắn kết các thành viên. Bên cạnh đó, gia đình cũng giáo dục về các chuẩn mực ứng xử trong xã hội, quan hệ bạn bè, yêu cầu sự tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau và giữ chữ tín.
Ngoài ra, gia đình phải gắn bó chặt chẽ với làng xã, cộng đồng. Mỗi gia đình không chỉ quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của các thành viên mà còn có trách nhiệm với cộng đồng và dân tộc. Gia đình Việt Nam truyền thống coi trọng tình làng nghĩa xóm, việc duy trì và phát huy sự gắn bó này là nét văn hóa quan trọng cần được gìn giữ và phát huy. Như vậy, nếu giữ gìn và phát huy tốt các giá trị, gia đình Việt Nam sẽ kiên cường trước những thách thức của thời đại, góp phần làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, bởi “gia đình tốt thì xã hội mới tốt”.
Thứ hai, giữ gìn, phát huy giá trị gia đình gắn giá trị truyền thống với hiện đại là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Gia đình truyền thống từ 3 thế hệ trở lên, có sự gắn bó tình cảm mạnh mẽ giữa các thành viên, khả năng bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ. Các thành viên có trách nhiệm chăm sóc người già và giáo dục thế hệ trẻ. Đây là những giá trị văn hóa gia đình cơ bản cần được kế thừa và phát huy.
Gia đình hiện đại bao gồm các giá trị tiến bộ và văn minh. Giá trị tiến bộ trong gia đình là tiêu chuẩn chính để xây dựng gia đình theo hướng hội nhập, nhấn mạnh sự bình đẳng và tôn trọng giữa vợ chồng và các thế hệ. Gia đình tiến bộ cần xây dựng trên nền tảng tình yêu và tự do trong lựa chọn bạn đời, giúp ngăn chặn bạo lực gia đình và mâu thuẫn. Giá trị văn minh trong gia đình được thể hiện qua cách giao tiếp và ứng xử văn hóa, sự tôn trọng, chia sẻ và bình đẳng giữa các thành viên. Mỗi thành viên trong gia đình cần tự rèn luyện và phát triển bản thân về mọi mặt để chuẩn bị tốt cho các vai trò xã hội và góp phần xây dựng cuộc sống gia đình văn minh, hiện đại.
Thứ ba, giữ gìn, phát huy các giá trị gia đình truyền thống cần phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế và xã hội. Điều này không chỉ là vấn đề văn hóa mà còn có tác động sâu rộng đến phát triển toàn diện của xã hội. Các giá trị gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Một gia đình vững mạnh về mặt đạo đức và tinh thần sẽ đóng góp vào việc xây dựng một xã hội ổn định và phát triển bền vững. Ngược lại, chiến lược phát triển kinh tế và xã hội cũng cần phải hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Việc này bao gồm đảm bảo rằng mỗi gia đình có điều kiện phát triển toàn diện, đạt được sự ấm no, dân chủ, tiến bộ và hạnh phúc.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi, tạo ra không ít những thách thức đến hệ giá trị gia đình Việt Nam. Đứng trước sự hỗn dung về văn hóa xâm nhập, mỗi gia đình Việt cần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những giá trị gia đình mới phù hợp với xu hướng thế giới hiện nay và gắn sự phát triển gia đình với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo nên sức đề kháng cho văn hóa gia đình Việt trước những thách thức của thời đại, hướng tới giá trị cốt lõi của hệ giá trị gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Huỳnh Văn Mến - Nguyễn Hạnh Quyển