Nét đẹp chợ quê

Cập nhật ngày: 09/06/2016 09:03:18

ĐTO - Từ bao đời nay, chợ quê không chỉ là nơi bán mua mà còn là nơi ăm ắp nghĩa tình. Một góc chợ quê đôi khi làm cho ta chạnh lòng với bao ký ức đong đầy.


Nông dân mang rau ra chợ bán

Mỗi xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều có chợ quê. Dù rằng nhiều chợ được quy hoạch giúp cho việc thuận tiện đi lại, khang trang nhưng chợ quê vẫn vẹn nguyên nét đẹp của riêng mình. Chúng tôi đã vài lần đến chợ Rạch Chanh (xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh) vào những thời điểm khác nhau. Và mỗi lần đến chợ, chúng tôi đều cảm nhận được một góc chợ đậm chất quê. Từ phía ngoài chợ, các tiểu thương là những người nông dân ngồi bán đủ các loại rau, trái cây vườn nhà. Có người trồng đôi ba cây sầu đâu, vài luống rau, vài cây đu đủ cũng hái mang ra chợ bán. Cũng có khi cần tiền xoay sở việc nhà, gia chủ bắt một hai con gà, vịt, vài chục trứng gà ta bày bán. Cảnh mua bán diễn ra khá nhộn nhịp và chừng 9 giờ là những mặt hàng này gần như hết sạch. Tại ngôi chợ này, chúng tôi cũng bắt gặp những món đồ chơi rẻ tiền nhưng trông thật dễ thương.

Điều thú vị nhất là các mặt hàng chợ quê ở Đồng Tháp được bán theo mùa. Chẳng hạn như vào mùa mưa này, sắp tới là khi nước lũ về, không chỉ riêng chợ Rạch Chanh mà tại các chợ ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự, Tân Hồng, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Cứ sau mỗi cơn mưa, cá rô đồng, ếch nhái trở nên nhiều hơn, thế là người nông dân lại có nhiều sản vật mang ra chợ. Khi nước lũ tràn đồng, nào là cá linh, bông điên điển, rắn nước, rắn bông súng được bày bán tại hầu hết các chợ.


Mua bán cá tại một góc chợ quê

Chợ quê không chỉ là nơi sinh hoạt kinh tế, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, là nơi giao lưu tình cảm, hỏi thăm nhau. Có mặt tại chợ Cả Sách (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự), chúng tôi cảm nhận được nét chợ quê nơi đây với những con người thật giản dị, bộc trực. Đó là những tiếng cười nói rôm rả giữa tiểu thương với khách hàng, giữa khách hàng với nhau hỏi thăm chuyện làm ăn, chuyện cưới vợ gả chồng, chuyện ốm đau,... nghe sao gần gũi. Cũng có những tiểu thương dạng “nghiệp dư”, cứ lâu lâu có một vài mặt hàng mang ra chợ bán nên không có “đồ nghề”. Vậy nên các tiểu thương này phải mượn dao, kéo để làm cá, mượn cân, hoặc tiện trao đổi vài bó rau lấy lại ít con cá. Cứ tưởng đó là chuyện ngày xưa mà nay tại các chợ vẫn còn đó, gần gũi lắm, thân thiện lắm. Và ở chợ quê, chỉ mới ngày hôm trước đôi khi có những chuyện cãi vã lẫn nhau giữa các tiểu thương, thế nhưng ngày hôm sau lại làm lành, có khi còn cùng chung tay góp tiền giúp đỡ nhau trong cơn ốm đau hoạn nạn.

Ngày nay nhiều siêu thị mọc lên, có cả dịch vụ mua hàng qua mạng được mang đến tận nhà, thế nhưng chợ quê vẫn tấp nập người mua bán. Chợ quê là hồn của quê, là nét văn hóa của từng địa phương. Dẫu biết theo quy luật tất yếu của thị trường, rồi đây chợ quê ít nhiều cũng sẽ vơi đi, rồi chuyện rác thải, an toàn vệ sinh thực phẩm khiến chợ quê không còn vẹn nguyên giá trị của ngày nào. Song, một khi còn chợ quê thì vẫn còn nét đẹp của quê, ít nhất là một góc chợ quê trong tâm thức mỗi người.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn