Nghề dệt chiếu Định Yên - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cập nhật ngày: 18/09/2013 04:39:02
Từ lâu, chiếu Định Yên đã được nhiều người biết đến và tin dùng, bởi chất lượng của sản phẩm vừa đẹp lại vừa bền. Mẫu mã đa dạng phong phú, giá cả phải chăng, phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng nên "tiếng lành" ngày càng vang xa...
Dệt chiếu truyền thống
Với giá trị về vật chất và tinh thần của làng nghề dệt chiếu Định Yên, năm 2012, theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp lập hồ sơ đề nghị và mới đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 3084 công bố và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2003, xã Định Yên được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận 4/4 ấp là làng nghề thủ công truyền thống gồm: ấp An Lợi A, An Lợi B, An Khương và An Bình với 3.000 hộ hoạt động có liên quan đến nghề dệt chiếu.
Nghề dệt chiếu ở đây được hình thành và phát triển từ hơn 100 năm. Với địa hình thuận lợi nằm cặp sông Hậu, Định Yên có nhiều cồn, bãi bồi rất thích hợp phát triển nguồn nguyên liệu là cây bố và lác để cung cấp cho làng nghề tồn tại và phát triển.
Sản phẩm của làng chiếu Định Yên thường có chiếu vảy ốc, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trắng, chiếu cổ...
Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Từ những năm 1920, nghề dệt chiếu ở Định Yên phát triển, nguyên liệu tại chỗ không đủ, phải mua thêm lác chẻ sẵn, phơi khô từ Sa Đéc và các nơi chở đến. Đến trước 1954, chiếu Định Yên nhờ chất lượng cao, giá cả vừa phải nên ghe thương hồ chở bán khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lên đến Nam Vang (Campuchia). Chính nhờ sự thạnh mậu của nghề dệt chiếu thời kỳ này mà chợ phiên mua bán chiếu xuất hiện và tồn tại đến ngày nay.
Xưa, chợ chiếu được họp từ lúc nửa đêm, bạn hàng gần xa tụ họp về, những ngọn đèn dầu cá, đèn Huê kỳ (dầu lửa) đủ sáng cho người mua, kẻ bán. Nhiều người quen gọi "chợ ma". Chợ xuất hiện và duy trì vì nó phù hợp với công việc nghề dệt chiếu, con nước lớn, ròng và sinh hoạt của địa phương. Ban ngày, mọi người, nhất là nữ giới đều bận rộn với công việc se trân, phơi, nhuộm lác, dệt chiếu...
Thời gian họp chợ từ lúc nửa đêm, chiếu dệt xong đem bán, đi chợ mua thức ăn, về đến nhà trời vừa hừng sáng, lại bắt đầu công việc cho một ngày mới.
Thời xưa, có thể nói sản phẩm chiếu được làm ra là nhu cầu thiết yếu của mọi nhà. Với gia đình khá giả thì sắm chiếu bông, chiếu vảy ốc, chiếu con cờ, chiếu cổ... còn gia đình bình dân thì chiếu trắng, chiếu thường... chiếu dùng để nằm, để bày mâm cổ, chiếu để làm chăn, màn, chiếu để trang bị cho phòng tân hôn, để các bậc cao niên ngồi bàn chuyện trong các lễ hội, đình đám của làng và đôi khi đến phút cuối cuộc đời con người chiếu vẫn gắn bó... Vì vậy, ở làng Định Yên đến nay vẫn còn truyền tụng câu ca dao:
"Định Yên có vựa chiếu to
Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm"
Tuy bây giờ chiếu ít còn được sử dụng trong những khung cảnh bày trí tân thời. Nhưng ở những vùng nông thôn hay những nơi gắn bó với nét sinh hoạt xưa chiếc chiếu vẫn rất hữu dụng. "Mảnh chiếu, chiếc chiếu, đôi chiếu" từ xa xưa đã gắn liền với đời sống con người. Hơn thế, nó còn trở thành một biểu tượng cho tình cảnh, tình cảm của bản thân, gia đình, vị thế xã hội...
Nghề dệt chiếu tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giúp ổn định về mặt kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nông thôn, giải quyết được nhu cầu lao động của địa phương.
Đặng Hùng Văn