Nguyễn Thị Tư - Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian của Đồng Tháp Mười
Cập nhật ngày: 10/04/2023 13:22:56
ĐTO - Nguyễn Thị Tư là người con sinh ra ở vùng Đồng Tháp Mười (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Tất cả tác phẩm về Văn nghệ dân gian (VNDG) của Nguyễn Thị Tư đều chọn đề tài về Đồng Tháp Mười (ĐTM), gắn với ĐTM. Một người gắn bó máu thịt, sưu tầm, nghiên cứu về vốn cổ văn hóa và VNDG nơi “chôn rau cắt rốn” của mình như Nguyễn Thị Tư, quả là một trong không nhiều trường hợp đặc biệt, hiếm có, nếu không muốn diễn đạt là độc nhất vô nhị ở Đồng Tháp hiện nay.
Nguyễn Thị Tư là hội viên Hội VNDG Việt Nam từ năm 2017 (cùng đợt với các nhà nghiên cứu (NNC): Phạm Thị Toán; Lê Thị Thanh Hương; Hồ Văn Nhịnh), góp phần làm cho Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp trở nên “hùng hậu” vào bậc nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (18 hội viên tại thời điểm đó).
Nói đến NNC Nguyễn Thị Tư, trước hết phải nói đến sự “vượt khó” để thực hiện đam mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa - VNDG của mình. Vốn công tác trong ngành kế toán - tài chính, mới nghe, ngỡ chẳng có “ruột thịt” gì với lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn hóa – VNDG, thậm chí có vẻ “xa lạ”. Điều may mắn của Nguyễn Thị Tư là, hoạt động liên quan đến tiền nong của chị nằm trong một đơn vị thuộc ngành văn hóa, lại “đóng đô” trên nền đất Gò Tháp - nơi tiềm tàng nhiều tầng lớp văn hóa - VNDG. Điều này cộng với niềm đam mê, sự động viên, khuyến khích của các NNC gần gũi, đã khiến Nguyễn Thị Tư “vững tin” bước vào con đường sáng tạo không mấy suôn sẻ, thuận lợi như nhiều người khác.
Như đã nói ở trên, may mắn nhất đối với NNC Nguyễn Thị Tư là có một thời gian không ngắn được “sống” trên một trong những “vương quốc” của văn hóa - VNDG: Khu Di tích Gò Tháp, với tư cách là một trong những thành viên trong Ban Quản lý của khu di tích đặc biệt này. Chính vì vậy mà tác phẩm của chị, hầu hết đều “khai quật” đề tài “dưới lòng đất” mình đang sinh sống, làm việc như: “Giai thoại về đời sống vật chất của cư dân Gò Tháp xưa” (năm 2014); “Gò Tháp - di tích và lễ cúng” (năm 2015); “Văn hóa dân gian vùng đất Tháp Mười” (năm 2016); “Về lại chốn bưng biền Đồng Tháp Mười” (năm 2017); “Cây sen trong đời sống văn hóa và ẩm thực đất Tháp Mười” (năm 2018)...
Cách tiếp cận đề tài của Nguyễn Thị Tư hoàn toàn không lụy những vấn đề “to tát”, trải ra trong một không gian, thời gian xa rộng mà thường tiếp cận những điều cụ thể, gần gũi, hẹp hơn như: những giai thoại; di tích; lễ cúng; cây sen; nghề truyền thống; ẩm thực truyền thống...
Những đề tài mà Nguyễn Thị Tư chọn như trên, thể hiện qua đề cương, thường được Hội VNDG Việt Nam xét chọn tham dự một số trại viết, qua đó, có điều kiện tốt nhất để hoàn thành tác phẩm. Ngay tại Đồng Tháp, trong các lần tổ chức trại viết hay cuộc vận động viết tác phẩm VNDG của Phân hội VNDG thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, đề cương tác phẩm của Nguyễn Thị Tư cũng được đánh giá khá tốt, được chấp thuận để triển khai thành công trình hoàn chỉnh.
Cách viết và văn phong nghiên cứu trong các công trình của Nguyễn Thị Tư, hầu hết “thoát ly” một cách hồn nhiên những đặc trưng của phong cách bác học, hàn lâm thường thấy trong lĩnh vực nghiên cứu xưa nay. Đọc tác phẩm của chị, người ta bắt gặp ngay những tín hiệu văn hóa - VNDG “nóng hổi”, cụ thể, sinh động - sự việc, hiện tượng, vấn đề... cổ xưa mà ngỡ như đang tồn tại giữa thời đương đại. Có lẽ nhờ vậy mà Nguyễn Thị Tư thường kết nối, phối hợp giữa văn hóa - VNDG với cuộc sống đang diễn ra một cách hài hòa trong sự tiếp chuyển biện chứng của nó. Điều này, không phải NNC văn hóa - VNDG nào cũng có ưu thế và làm được!
Điều nhận ra rõ nhất và rất đáng mừng ở NNC Nguyễn Thị Tư là chị và tác phẩm của mình đã “lớn lên”, trưởng thành và từng bước định vị chân dung riêng trong đội ngũ hội viên và tác phẩm văn hóa - VNDG ở Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung. Với riêng tác giả bài viết này, trong tư cách là Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, ngoài sự khâm phục, tin tưởng đối với NNC Nguyễn Thị Tư trong sự phát triển chung, thì điều đọng lại sâu sắc và nỗi vui mừng có thực, đó là: vùng đất Đồng Tháp Mười đã có được 1 NNC văn hóa - VNDG - điều không phải phổ biến, thường gặp, không chỉ ở Đồng Tháp mà cả ở các tỉnh thuộc khu vực này (Long An, Tiền Giang).
Đánh giá về thành công của NNC Nguyễn Thị Tư và tác phẩm của chị trong thời gian qua, có thể kể đến các giải thưởng chính thức như: Giải Khuyến khích tác phẩm đầu tư do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp năm 2014 (tác phẩm: “Giai thoại về đời sống vật chất của cư dân Gò Tháp xưa”); tương tự là giải C năm 2018 (tác phẩm: “Cây sen trong đời sống văn hóa và ẩm thực đất Tháp Mười”)...
Quan trọng hơn tất cả là NNC Nguyễn Thị Tư luôn được đồng nghiệp yêu mến, kính trọng về nhân cách và sự cống hiến bằng tác phẩm đích thực. Nói không quá, chính chị là một trong những tấm gương sáng về sự “vượt khó” để thực hiện đam mê của mình. Hy vọng, con đường sưu tầm, nghiên cứu văn hóa - VNDG của NNC Nguyễn Thị Tư tiếp tục đạt được những thành công tốt đẹp.
THAI SẮC