Nhiều ca khúc và bài vọng cổ mới về vùng đất, con người Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 28/10/2015 12:57:57

Trong chuyến đi thực tế sáng tác cùng đoàn văn nghệ sĩ thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp ở huyện Lấp Vò những ngày cuối tháng 10/2015, tôi có dịp trò chuyện cùng nhạc sĩ trẻ Lê Quang Thịnh. Anh nói: “Đời sống kinh tế - xã hội tỉnh nhà những năm gần đây có bước phát triển nhanh, có nhiều cái mới... Điều này đã góp thêm nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ”.


Làng nghề truyền thống luôn là tư liệu quý giá và nguồn cảm hứng cho tác giả sáng tác được nhiều tác phẩm

Ngẫm lại thì điều anh nói thật đúng, điểm lại những ca khúc hay viết về vùng đất và con người Đồng Tháp trong khoảng thời gian gần đây thì đó là những hình ảnh của “miền quê yên ả thôn xóm một màu xanh, ruộng vườn khoe áo mới, đây đó vang tiếng cười” - ca khúc “Màu nắng mới” của Chí Cao. Màu nắng mỗi ngày vẫn chiếu trên dòng Sa Giang chở nặng ân tình, chở nặng những hạt phù sa bồi đắp bờ bãi quê nhà, màu nắng rực vàng trong sắc cúc mâm xôi, vạn thọ,... ở làng hoa Sa Đéc. Cái nắng vừa đủ nhớ, đủ thương để giữ chân khách thập phương ở lại thêm nữa với quê mình. Không ở lại cho trọn tình sao được bởi ở đây còn có lời mời gọi: “Mời anh về, mời anh về quê em mùa nước nổi, điên điển vàng nhuộm thắm góc trời quê, bông súng bông sen dập dềnh trên sóng, kìa xuồng ai tung lưới giữa chơi vơi” trong “Về quê em” của nhạc sĩ Phạm Khiêm phổ từ thơ Hữu Phước.

Đâu chỉ có sắc màu của nắng, của hoa, mà ta còn nghe phảng phất hương thơm cùng vị ngọt đậm đà của xoài Cao Lãnh - Xoài thơm đặc sản quê nhà của Lê Quang Thịnh: “Khắp vùng nay hóa xoài thơm, xoài thơm Cát Chu chín mọng, Hòa Lộc ngọt mát hương nồng”. Cũng từ những mùa sai quả, trái xoài đi khắp miền xa, trong âm thanh “rộn ràng chợ vui đầu mối” cho Cao Lãnh thêm đẹp thêm giàu. Ta còn bắt gặp điệu tango đầy mê say của sếu trên nền xanh, củ năng củ lác giữa khu dự trữ sinh thái Tràm Chim “đàn sếu dịu dàng điệu múa yêu thương” khi quá giang câu hát “Tình ca Tam Nông” của Lê Phước Long, cánh sếu mang trên đầu màu đỏ của niềm tin ngời sáng, nghe sếu hát, xem sếu múa để lại nhớ và tin lắm câu “Đất lành chim đậu”.

Còn nhiều, nhiều lắm những ca khúc như: “Hương sen Đồng Tháp” - Đặng Quang Vinh, “Về quê em Đồng Tháp” - Thúy Nga, “Gió sông Tiền” - Ngọc Duệ... chính là hình ảnh quê hương và tâm hồn con người đất Sen hồng.

Bên cạnh những tác phẩm âm nhạc thì sân khấu mà cụ thể là vọng cổ cũng đã góp thêm nhiều lời ca mới ca ngợi mảnh đất tươi đẹp, ca ngợi con người Đồng Tháp nghĩa tình, chung thủy, sắt son. Như tấm lòng của chàng trai cồn Chài hiểu “chuyện dòng sông vẫn vẹn thủy tròn chung với mênh mông Đồng Tháp. Nên vườn Tân Thuận Đông cũng tỏa hương bát ngát như đáp tạ tình ai cho ấm áp nỗi mong chờ”, như tấm lòng cô gái cồn Lân “thiệt thà chơn chất, sáng nắng chiều mưa tất bật với ruộng vườn” trong ngọt ấm bài vọng cổ “Chuyến đò Tân Thuận Đông” của soạn giả Minh Tuấn.

Đây không chỉ là sự thủy chung của tình yêu đôi lứa, mà cao cả hơn còn là thủy chung với quê hương, thủy chung giữa ý Đảng - lòng dân. Như bà má mỗi lần qua đường làng sáng ngời ánh điện của kinh Ông Kho, Bình Trị, vẫn “nhớ lắm ánh đèn dầu uy linh ngày chị thề trước Đảng. Hai mươi tuổi không biết học đòi chưng diện. Trung với nước hiếu với dân nó học để làm người” - “Người con gái Hòa An” của soạn giả Ngô Triều Dương.

Theo soạn giả Thanh Hà - Phân hội Trưởng Phân hội Sân khấu, Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp, các tác phẩm của đa số soạn giả Đồng Tháp trong khoảng thời gian gần đây ngoài việc khắc họa nét đẹp tâm hồn và tính cách con người còn tái hiện lại một cách chân thực và sinh động sự chuyển mình phát triển từng ngày của quê hương, người yêu vọng cổ dễ dàng bắt gặp điều đó qua “Hoa nở giữa dòng sông” của Phan Hải, “Về lại quê hương” của Hoài Tâm, “Thành phố tình ca” của Bạch Phần,...

Tin chắc rằng, với sự ra đời của nhiều ca khúc và bài vọng cổ giàu giá trị nghệ thuật và phong phú về nội dung như vừa kể trên có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc và sân khấu của người yêu nghệ thuật tỉnh nhà.

Nguyễn Giang San

Ngày 25/10/2015, Phân hội Âm nhạc và Phân hội Sân khấu thuộc Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp đã tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Lấp Vò cho gần 30 hội viên của 2 chuyên ngành. Tại đây, các nhạc sĩ và soạn giả đã được nghe lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện giới thiệu sơ lược về vùng đất và con người Lấp Vò, thông báo thể lệ cuộc thi sáng tác ca khúc và ca cổ huyện Lấp Vò. Sau đó, đoàn đã trực tiếp đến tham quan các làng nghề làm thớt ở Định An, làm chổi lông gà ở Bình Thành, dệt chiếu ở Định Yên cùng một số di tích, di chỉ như đình Định Yên, chợ chiếu Định Yên,... Chuyến đi thực tế là dịp để các nhạc sĩ, soạn giả gặp gỡ, trao đổi về chuyên môn cũng như giúp các nghệ sĩ có thêm nhiều tư liệu và nguồn cảm hứng mới để sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của quần chúng tỉnh nhà.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn