Nhớ hoài những tiếng rao
Cập nhật ngày: 17/12/2012 04:43:06
Quê tôi thuộc xã vùng sâu của huyện Thanh Bình. Nhớ cách nay khoảng 30 năm, lúc tôi vừa tròn 7 tuổi, mỗi sáng tôi thường theo mẹ bơi xuồng đi bán bánh bò dạo. Nhà tôi nghèo nên mẹ phải tần tảo sớm hôm, thức khuya, dậy sớm để mỗi ngày xay bột làm bánh đi bán dọc hai bên bờ kinh xáng. Mẹ chắc mót từng đồng lời để nuôi chị hai tôi đi học.
Nhà tôi ở một ấp thuộc vùng sâu của xã nên chị hai tôi được cha mẹ gửi ở nhà của người dì trên tỉnh để đi học, lâu lâu mới về một lần. Nhà không còn ai, cha đi làm đồng từ sáng sớm, mỗi ngày tôi đều ngồi cạnh mẹ trên chiếc xuồng nhỏ rong ruổi khắp các kênh rạch để bán bánh bò. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là giữ tiền rồi cho vào chiếc túi nhỏ đeo tòng-teng trước ngực, có khi cũng bắt chước mẹ tập cất tiếng rao: “Ai... bánh bò... hông!”.
Ngày ấy việc mua bán, trao đổi hàng hóa và từ ấp này qua ấp chủ yếu phải đi bằng xuồng. Nhà tôi nằm cạnh con rạch nhỏ, bốn mùa đong đầy những con nước lớn ròng, xuồng ghe dập dìu qua lại, nên ngày nào cũng nghe những tiếng rao “Ai mua hàng không?”... của những người bán hàng rong trên sông nước. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cho đến chiều tối, tiếng rao bán, tiếng gọi ơi ới của người mua xen lẫn vào nhau như một âm thanh quen thuộc.
Theo thời gian, tiếng rao của mẹ đã từng ngày nuôi chị em tôi khôn lớn. Ngày xa quê, tôi ra bờ kênh ngồi suốt một buổi chiều góp nhặt những tiếng rao...
Giờ đây mỗi lần về quê, mẹ hay nhắc chuyện ngày xưa và bảo với tôi rằng: “Con phải luôn nhớ đến hoàn cảnh khó khăn ngày trước mà phấn đấu vươn lên”. Tôi nhớ lời mẹ, cố học để nên người hữu dụng.
Cuộc sống ngày càng phát triển, những cụm, tuyến dân cư với đường đan, đường tráng nhựa phẳng lì, những chiếc cầu bêtông kiên cố... Việc mua bán trao đổi hàng hóa trở nên thuận tiện dễ dàng nên những ghe, xuồng bán hàng rong trên sông nước cũng ngày một thưa dần. Cách thức, phương tiện mua bán cũng đã thay đổi, xuồng chèo được thay bằng xuồng máy, tiếng rao trong trẻo nay được ghi âm lại và phát ra inh ỏi. Nhiều người bảo rằng để thuận tiện hơn, đỡ mất công khi cứ rao đi rao lại bằng lời...
Giờ đây, sống giữa lòng đô thị, nhưng tôi vẫn mãi ngày xưa, nhớ dòng kênh quê tôi nơi chứa đựng những giọng rao hàng dìu dặt. Nhớ để mà phấn đấu, để nên người và nhớ lời mẹ dạy. Ôi!... nhớ hoài những tiếng rao.
NVN