Những khúc tình ca dâng tặng quê hương

Cập nhật ngày: 26/11/2016 07:29:37

Đã lâu rồi tôi mới có dịp được cầm trên tay một tuyển tập bài ca vọng cổ hay và tròn vẹn tình cảm dành cho quê hương mình như thế. Đó là tuyển tập “Tình ca quê mẹ” của soạn giả Ngô Triều Dương. Có thể nói, với những người yêu nghệ thuật cải lương Đồng Tháp thì cái tên Ngô Triều Dương từ lâu đã không còn xa lạ nữa khi anh đạt gần 20 giải thưởng sáng tác cho các thể loại ca cổ, cải lương từ cấp tỉnh đến Trung ương mà lần gần đây nhất có thể kể đến là giải A thể loại sân khấu Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ III.


Tuyển tập “Tình ca quê mẹ”

Nhưng riêng với tập “Tình ca quê mẹ” này, người say vọng cổ lại được ngắm nhìn và ghi nhận một Ngô Triều Dương của cả quá trình lao động sáng tạo miệt mài. Bởi lẽ tuyển tập là tập hợp đến 30 bài ca vọng cổ đã được anh chọn lọc từ khi bắt đầu sáng tác đến nay.

Đề tài bao trùm cho cả tuyển tập là những khúc tình ca ngọt ngào dâng tặng quê hương. Quê hương không chỉ là bản xứ, là nơi chôn nhau cắt rốn, mà đôi khi còn là nơi đi qua, để lại một phần máu thịt và tâm hồn ở đó. Đó là một “Quê hương Thanh Mỹ bao đời kiên trung/Đất với người thủy chung/Đã sản sinh bao thế hệ anh hùng/Những mầm sen từ chân đất chân bùn/Như mặt trời ngoi lên trong đám cháy/Đất âm vang trăn trở hồn quê” trong bài “Gió Thanh Mỹ”. Hay một Sa Đéc ngọt ngào thơm hương vạn thọ, nơi tình yêu quê hương mẹ gởi trong màu hoa vàng xôn xao đón nắng. Tình yêu quê hương ngấm vào từng hạt muối mặn mòi đã làm nên nghĩa thủy chung chồng vợ. Bài học lớn của nghìn đời truyền mãi đến ngày sau: “Cắn đôi hạt muối quê mình/Thương câu vọng cổ chung tình Bạc Liêu/Lắng lòng theo nhịp tình yêu/Học người xưa hát trăm điều nghĩa nhân” (Hạt muối tình chung).

Mà biết yêu quê hương cũng chính là biết cúi đầu trước mỗi ơn đức tiền nhân. Đó là hình ảnh “vị tri huyện Bình Khê đứng về phía dân đen mà bị triều đình thải hồi sau phạt đòn trăm trượng. Rũ áo từ quan không màn khanh tướng, hành phương Nam bằng chí lớn một ông đồ”, người “cha không cần nhà, con không cần ngai/Mà đưa dân tộc lên đài vinh quang/Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Ngàn hương dâng đóa Kim Liên rạng ngời” trong bài ca cổ “Đóa Kim Liên trong ngàn sen đất Tháp”. Hay như hình ảnh của người anh hùng nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương đã phất cao ngọn cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp bảo vệ vùng đất Đồng Tháp Mười.

Cũng bằng chất liệu sử thi như thế trong “Người con gái Hòa An”, Ngô Triều Dương đã vẽ lại chân dung Kim Hồng - Người con gái anh hùng đã “hy sinh sau loạt đạn cuối cùng/Kềm chân địch trên đường về Bình Trị/Có cái chết mãi trở thành bất tử/Chị ngã xuống rồi lịch sử mãi vinh danh”. Cái tên, chiến công và sự hy sinh của chị theo thời gian vẫn mãi còn nhắc nhở để ai mỗi lần qua Ông Kho, Bình Trị, cũng thấy rưng rưng lòng nhớ một thời chớp lửa mù xa.

Không chỉ vậy, “Tình ca quê mẹ” còn là bản tình ca ca ngợi quê hương đang từng ngày đổi mới, hình ảnh con người tài hoa, cần mẫn trong công cuộc dựng xây. Bàn tay người nghệ nhân tài hoa thổi hồn vào lửa gốm, người nghệ sĩ gửi trọn hồn mình vào vai diễn dưới ánh đèn sân khấu mỗi đêm khuya. Đó là hình ảnh những con người biết đánh thức tiềm năng cho đất, để quê hương mình ngày một đẹp giàu hơn.

“Tình ca quê mẹ” của Ngô Triều Dương đang lật mở từng trang, để người yêu vọng cổ cất cao lên câu hát ca ngợi quê nhà!

Nguyễn Giang San

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn