Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng
Cập nhật ngày: 22/12/2023 13:26:18
ĐTO - Ngày 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện; đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Chiến lược); định hướng, giải pháp phát triển trong thời gian tới. Theo đó, giai đoạn 2018 - 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Chiến lược; phát triển 12 lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ). Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và phát triển thị trường góp phần cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa; giao lưu, hợp tác quốc tế…
Qua thực hiện Chiến lược đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Mục tiêu Chiến lược đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao.
Đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương phát biểu thảo luận liên quan đến các nội dung: thực trạng, mục tiêu, các cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực: xuất bản, truyền hình và phát thanh, phần mềm và các trò chơi giải trí; định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời chỉ rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chiến lược.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm, nỗ lực cao hơn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa. Khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng phát triển những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa… để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tín dụng và các chính sách khác.
MỸ XUYÊN