Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Cập nhật ngày: 04/12/2022 06:15:23
ĐTO - Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các nghề, làng nghề truyền thống bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tăng cường tổ chức hoạt động trưng bày, trình diễn nghề truyền thống tại khu, điểm du lịch nhân các sự kiện lớn của tỉnh..., góp phần gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Đất Sen hồng đến với du khách.
Du khách xem trình diễn nghề dệt chiếu truyền thống tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Phường 4, TP Cao Lãnh)
Sở VH, TT&DL đã ban hành Kế hoạch số 758/KH-SVHTTDL ngày 26/7/2021 về việc Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025. UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể hóa từng nội dung, phần việc trong kế hoạch. Qua đó, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề dệt chiếu xã Định Yên, Định An (huyện Lấp Vò) và nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu (huyện Lai Vung) góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng và hệ thống chính trị đối với di sản, từng bước xây dựng phong trào quần chúng Nhân dân tham gia bảo vệ di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Quốc gia của tỉnh. Tổ chức trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề thủ công truyền thống phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc nhân dịp tổ chức kỷ niệm các sự kiện, lễ hội tiêu biểu của tỉnh trong năm 2022.
Vừa qua, trong khuôn khổ lễ giỗ lần thứ 93 Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Sở VH,TT&DL đã tổ chức hoạt động trình diễn nghề dệt chiếu truyền thống. Đông đảo người dân, du khách trong, ngoài tỉnh được chiêm ngưỡng các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật dệt chiếu thủ công, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia Làng nghề truyền thống Dệt chiếu Định Yên. Chị Nguyễn Thị Thu Nhàn ngụ Phường 2, TP Cao Lãnh chia sẻ: “Từ trước đến nay, tôi chưa có cơ hội xem người thợ dệt chiếu bằng tay. Nghe tin tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc có trình diễn nghề dệt chiếu nên tôi đến xem và vô cùng cảm phục tay nghề của các nghệ nhân. Dù chỉ bằng động tác thủ công, nhưng những nghệ nhân đã hết sức khéo léo, tỉ mỉ luồn từng sợi lác đủ màu sắc vào chiếc khuôn, tạo nên tấm chiếu với các đường nét thẳng hàng và nhiều hoa văn bắt mắt. Qua đây giúp tôi hiểu thêm nét đẹp của nghề dệt chiếu và tự hào vì tỉnh nhà có Làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên nổi tiếng”.
Bên cạnh công tác quảng bá, công tác ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển các làng nghề được chính quyền các cấp, các ngành và địa phương quan tâm. Đến nay, sản phẩm “Chiếu Định Yên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; hỗ trợ xây dựng 1 tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm “Chiếu cói” xã Định Yên (Lấp Vò); hỗ trợ xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề cho Làng nghề truyền thống đóng xuồng, ghe ấp Long Hòa, ấp Long Hưng 2 (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) và các Làng nghề dệt chiếu xã Định Yên, xã Định An (huyện Lấp Vò). Bên cạnh đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo kết nối, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý, tạo nguồn nhân lực cho cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, sản xuất. Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, nghề truyền thống tham gia các kỳ hội chợ xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh và quốc tế góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề của địa phương...
Thời gian tới, Sở VH,TT&DL tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phổ biến đưa di sản đến với đông đảo công chúng, góp phần tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Đẩy mạnh việc thực hiện công tác xã hội hóa trong cộng đồng, các nguồn lực tham gia hỗ trợ, đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh...
P.L