Quyển sách quý

Cập nhật ngày: 25/07/2017 07:00:43

Nhân kỷ niệm lần thứ 70 Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban Liên lạc chiến sĩ bị địch bắt tù, đày vừa phát hành quyển sách quý “Cán bộ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Đồng Tháp”.


Ảnh: KIM NGÂN

Sách in khổ lớn 20x29cm, dày trên 516 trang, in giấy tốt, bìa cứng, trình bày trang trọng, nhiều màu, đẹp, chi phí trên 536 triệu đồng. Sách chia nhân vật theo từng huyện, thị xã, thành phố và xếp tên người theo vần A, B, C nên người xem rất dễ dò tìm. Từng nhân vật có ảnh chân dung và tóm tắt tên họ, tuổi, quê quán, thời gian bị địch bắt, nơi giam giữ, tình hình sau khi ra tù và hiện nay.

Phải công nhận công trình là tâm huyết và đầy trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, của lãnh đạo và cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày các cấp trong tỉnh, thể hiện sự tri ân những người không tiếc mạng sống, sa cơ rơi vào tay giặc, bị tra tấn nhục hình, đày đọa thể xác và tinh thần trong các “địa ngục trần gian” của giặc, giữ vững tấm lòng yêu nước, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, không khuất phục trước giặc.

Đến nay, nhiều người đã hy sinh, từ trần, số còn sống vẫn mang trong người nhiều di chứng, bệnh tật từ những năm tháng bị tù đày.

Rất xúc động khi lật từng trang, nhìn ảnh từng người, đọc tóm tắt tiểu sử từng người; ngậm ngùi trước những người không có ảnh phải thay bằng kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Ngoài các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ, quyển sách này còn là quyển sử sống lưu lại cho thế hệ hiện tại và mai sau học tập, noi theo sự cống hiến, can trường của các bậc ông bà, cha anh qua mấy thời khói lửa, đạn bom.

Tuy rất công phu, song quyển sách vẫn còn nhiều thiếu sót. Thật ra, cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày không phải chỉ có 1.812 người in trong quyển sách, mà số lượng còn sót hằng mấy trăm người. Trong đó có những người tên tuổi nhiều người biết, như ông Trần Bá Lê (cả Nhì Ngưu), bà Nguyễn Thị Lựu ở Hòa An, bà Lê Thị Lịnh ở xã Tân Thuận Tây, ông Nguyễn Văn Phối, ông Mai Văn Khải, Nguyễn Phước Cao ở xã Mỹ Ngãi, ông Trần Văn Tráng ở Tân Phú, ông Cù chết trong tù, ông Hiếu tự Na bị giặc đem đi thủ tiêu...

Thiếu sót này cho thấy lỗ hỏng trong danh sách cán bộ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà Ban Liên lạc tỉnh cũng như Ban Liên lạc các cấp, nhất là ở cấp xã, phường. Chúng ta thông cảm người làm công tác thương binh xã hội hiện nay ở cấp cơ sở là người trẻ, mới khó nắm bắt được hết số người trong đối tượng này ở cấp mình. Hồ sơ lưu trữ, văn bản thành văn còn lại rất ít, nên anh chị em không nắm hết đối tượng trong phạm vi mình quản lý. Qua việc phát hành quyển sách này, tôi nghĩ là dịp để ta bổ sung danh sách đầy đủ hơn.

Thiếu sót thứ hai là thiếu ảnh một số người. Thực tế có người không có ảnh. Nhưng có những người có ảnh gia đình đang thờ, chỉ cần ta đến đó chụp lại là có. Nếu là do không chịu đi tìm tận từng gia đình, ngồi tại chỗ, có chi dùng nấy thì thật đáng trách.

Thiếu sót thứ ba là sự thiếu chính xác về nội dung. Ví dụ bà Nguyễn Thị Tiếp (Nguyễn Thị Luyến) và Lê Thị Út cùng bị bắt chung một ngày, mà người ghi tháng 6, người ghi tháng 4. Sơ sót nầy do người khai cung cấp (vì quên nhớ lẫn lộn).

Chúng ta thông cảm những người thực hiện quyển sách này đều là người không chuyên làm sách, phần lớn là người đã nghỉ hưu, nên điều kiện đi lại, sưu tầm, biên soạn dù rất cố gắng nhưng không sao tránh khỏi thiếu sót. Âu đây là dịp để ta củng cố lại hồ sơ, tư liệu cho lần tái bản sau khi có điều kiện.

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn