Tầm văn hóa trong quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ

Cập nhật ngày: 07/05/2022 06:13:27

ĐTO - Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu) của Quân đội và Nhân dân Việt Nam cách đây 68 năm đã được sử sách thế giới và dư luận toàn cầu ghi nhận, ngợi ca, tôn vinh về mọi phương diện, xin không bàn thêm. Ở bài viết nhỏ này, chỉ lạm bàn đôi chút về một khía cạnh khác, ít được nói đến và nói kỹ, đó là, tầm văn hóa trong quyết định “lui quân” hết sức khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rõ ràng, phải đạt đến một tầm văn hóa cao siêu - văn hóa, hiểu theo nghĩa đích thực nhất của nó - thì một cá nhân mới dám đưa ra một quyết định tự tin, dứt khoát và đúng đắn đến như vậy trước khoảnh khắc lịch sử!

Như chúng ta đã biết, trong điều kiện cực kỳ khó khăn, gian nan, thiếu thốn về nhiều mặt, theo phương án 1, bộ đội ta đã tiếp cận bao vây xung quanh cứ điểm Điện Biên Phủ, chỉ chờ hiệu lệnh tấn công với khẩu hiệu “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, chỉ trong một khắc lóe sáng của trí tuệ và bản lĩnh quân sự, được hun đúc từ tầm văn hóa rộng lớn, sâu xa của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thực hiện phương án 2: rút quân, chuẩn bị chiến đấu theo khẩu hiệu: “đánh chắc, thắng chắc”. Quyết định khó khăn đó đã được thực tiễn kiểm chứng về tính đúng đắn, sáng tạo của nó. Nhờ quyết định lịch sử này mà Việt Nam mới làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm xâm lược và gần trăm năm đô hộ của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương.

Tầm văn hóa đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước hết xuất phát từ “lòng nhân” cao cả (nhân văn, nhân đạo, nhân ái...), thể hiện cụ thể bằng tình yêu nước, thương nòi, tình yêu con người. Vị Tổng chỉ huy đã nhìn thấu một điều: nếu cứ cố chấp theo phương án 1, thất bại là thấy rõ và tổn thất thì khôn lường hoặc may mắn có thể chiến thắng thì lực lượng của ta, chiến sĩ của ta cũng mất mát, hy sinh rất lớn. Đó là cái giá quá đắt! Với “lòng nhân” cao cả của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “vượt qua” câu thơ truyền tụng, ám ảnh hơn ngàn năm về “nghiệp làm tướng” trong mọi cuộc chiến tranh: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (Một ông tướng công thành danh toại đều phải đổi bằng hàng vạn bộ xương binh lính chết khô - “Kỷ Hợi Tuế” - Tào Tùng) để đưa ra một quyết định đầy đúng đắn về chiến thuật và thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Không phải không có người quan niệm, làm tướng, nhất là tướng Tổng tư lệnh thì phải thét ra lửa, coi mạng người như cỏ rác, thắng thua là chuyện nhỏ, kiểu “võ biền”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (“Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp” - “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” - Việt Phương) thì ngược lại, bao giờ cũng cân nhắc, phải đánh như thế nào để vẫn chiến thắng mà ít hy sinh, tổn thất nhất! “Lòng nhân” đã thôi thúc vị tướng cao nhất của chiến dịch ra lệnh “lui quân” trong sự ngỡ ngàng, thắc mắc, thậm chí khó chịu của không ít tướng tá, chiến sĩ ta và cả vị đại tướng cố vấn người Trung Quốc.

Tầm văn hóa đó cũng xuất phát từ sự uyên bác về nhiều lĩnh vực (“có học”) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng không chỉ là người giỏi “võ” mà hơn thế, còn là một người giỏi “văn”. Trước khi trở thành vị thống lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngay từ thuở Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập (năm 1944), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng là giáo sư Sử học tại Trường Bưởi (Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội bây giờ). Không phải tự nhiên và vô cớ mà Bác Hồ đã đặt bí danh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Văn và trong quân đội thường gọi ông là Anh Văn một cách thân thiết và tôn kính. Văn chính là văn hóa. Văn chính là tri thức, kiến thức (“tiên học lễ, hậu học văn” là nghĩa này). Nhờ có vốn tri thức, kiến thức sâu rộng và được tích luyện, trau dồi qua thời gian mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích, nhìn ra, nhìn thấu đâu là suy nghĩ, hành vi, hành động tối ưu, đúng đắn nhất. Tri thức và kiến thức đó đã được Đại tướng vận dụng một cách linh hoạt, tích cực, hiệu quả trong lĩnh vực quân sự với tư cách là người cầm quân, từ đó, đã có những quyết định chuẩn xác tuyệt đối. Lịch sử quân sự thế giới sẽ mãi mãi lưu giữ mệnh lệnh “lui quân” độc nhất vô nhị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến dịch Điện Biên Phủ như là một bài học vô giá về tầm nhìn chiến lược mang đậm dấu ấn của một trí thức lớn có học vấn uyên thâm.

Tầm văn hóa đó còn xuất phát từ tư duy quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân, từ tinh thần tự tin ở lẽ phải, từ tấm lòng kiên định thực hiện cái đúng, khi đã nhận ra nó một cách chắc chắn, rõ ràng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lịch sử chiến tranh Đông Tây kim cổ, không phải không có những vị thống soái, chỉ huy, vì thiếu hoặc ít những phẩm chất nói trên, máy móc, câu nệ và non bản lĩnh, nghe theo tham mưu chưa chuẩn xác của số đông, dẫn đến những thất bại đau đớn, vô phương vãn hồi. Bại tướng Đờ Cát tại trận Điện Biên Phủ chính là một minh họa sát sườn điển hình. Ai cũng biết ý chí, nghị quyết của tập thể là tối thượng, cá nhân không thể bất phục tùng. Tuy nhiên, trong những thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, quyết định của cá nhân là vô cùng quan trọng, cần thiết, đặc biệt đó là quyết định của những tài năng xuất chúng. Trước khi vào trận Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã lường trước điều đó và dặn Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền”. Điều căn dặn của Bác Hồ đã trở thành sự thật. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tầm văn hóa cao cả của mình, đã sử dụng phẩm chất “toàn quyền” đó đúng lúc, đúng chỗ, góp phần mang lại một chiến thắng lừng lẫy cho quân đội ta, đất nước ta.

Có nhiều điều để nhớ, để kỷ niệm, để trao truyền, để học hỏi... từ chiến thắng Điện Biên Phủ. Mấy dòng trên đây viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những điều như thế. Con người “văn võ song toàn”, thấm đẫm tầm văn hóa cao cả của Đại tướng mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho muôn đời soi chiếu.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn