Tập tiểu luận - phê bình đầu tay của Lê Văn Mí

Cập nhật ngày: 05/12/2021 11:30:57

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211205113134dt3-333.mp3

Lê Văn Mí là cây bút lý luận - phê bình văn chương khá sung sức ở Đồng Tháp. Tên tuổi của anh mới xuất hiện trong khoảng dăm, bảy năm trở lại đây, nhưng đã ít nhiều khẳng định được vị trí, năng lực và nội lực của mình trong giới văn chương miền Đất Sen hồng. Có thể nói, hiện nay, trong lĩnh vực lý luận - phê bình văn chương ở Đồng Tháp, ngoài những cây bút quen thuộc lớp cũ như Tao Đàn, Hữu Nhân, Nguyễn Phước Hiểu... thì Lê Văn Mí cùng với Hồ Văn, Lê Ngọc Minh Hoàng... là những tác giả trẻ, viết đều và có những khởi sắc đầy hy vọng.

Thạc sĩ Lê Văn Mí là một nhà giáo dạy Văn có thâm niên, nhiều năm gắn bó với Trường THPT Thanh Bình 2, nay thuyên chuyển về Trường THPT Cao Lãnh 1. Có lẽ vì vậy mà chất giọng lý luận - phê bình của anh luôn thấm đẫm sắc thái bác học kết hợp nhuần nhuyễn với các vấn đề thực tiễn, tạo nên những trang viết ít nhiều có sức nặng học thuật, tạo dấu ấn riêng.

Tháng 11/ 2021, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp đã phối hợp xuất bản tập sách tiểu luận - phê bình mang tên “Văn chương - một cách tiếp cận” của Lê Văn Mí. Đây là tập tiểu luận - phê bình đầu tay của Lê Văn Mí, gồm 18 bài viết, tuyển chọn từ nhiều bài tiểu luận - phê bình đã được đăng tải trên báo chí thời gian qua.

Nhìn một cách tổng thể, trong số 18 bài viết, chỉ có 4 bài, Lê Văn Mí viết về những vấn đề văn chương chung, về những tác giả, tác phẩm ngoài Đồng Tháp (1 bài về Cụ Hồ trong ca dao kháng chiến; 2 bài về “Truyện Kiều” và Nguyễn Du; 1 bài về bài thơ “Áo trắng má hồng” nổi tiếng của Nguyễn Duy; 1 bài về bài thơ “Ngọn khói của mẹ” của Trần Bích Liễu ở Bạc Liêu (viết chung với bài thơ “Bếp quê” của Nguyễn Giang San). Những bài còn lại, tác giả cuốn sách đã giành sự ưu ái của mình cho văn chương miền Đất Sen hồng. Có lẽ vì vậy, mà như tác giả bài viết này được biết, khởi thủy, cuốn sách định lấy tên là “Văn chương Đồng Tháp - một cách tiếp cận”!

Cũng một cách nhìn khái quát, gần như tất cả những đầu sách mới nhất của văn chương Đồng Tháp xuất hiện trong thời gian gần đây đều được Lê Văn Mí quan tâm viết bài phê bình, giới thiệu một cách nhiệt thành, nồng hậu. Đó là Thai Sắc qua 2 bài viết: “Đêm và điệu hồn trong thơ Thai Sắc” và “Vẻ đẹp của đất và người trong bài thơ “Đồng bằng sông Cửu Long”; Hữu Nhân qua: “Dấu ấn cá tính sáng tạo của tác giả” trong “Tôi, em & sen”; Phạm Thị Toán qua: “Hai phía thời gian, không gian – con người Đồng Tháp” trong tập ký “Sống với thời gian”; Thanh Bình qua: “Không khí đời sống đậm đặc” trong “Miền đất lở”; Hồ Văn qua: “Tình đất – tình người” trong “Đất quê”; Thanh Sen qua: Vị ngót của “Nhớ”; Siêu Thị Chiêu Linh qua: “Em đâu chỉ nồng nàn - đặc sắc điệu thơ và điệu hồn”; Nguyễn Lệ Ba qua: Chất thơ trữ tình trong tập truyện ngắn “Ngồi lại với trăm năm”; Nguyễn Giang San qua: “Vẻ đẹp tâm hồn nhà giáo - nhà thơ”; Nguyễn Thị Kim Tuyến qua: Đặc sắc nghệ thuật qua bài thơ “Em không về nơi anh đâu, xứ Tuyên”...

Như giới thiệu ở trên, cách viết lý luận - phê bình của Lê Văn Mí là cách viết không chỉ căn cứ vào những phẩm chất hiện hữu của tác phẩm văn chương cụ thể mà bao giờ anh cũng soi chiếu tất cả những phẩm chất đó dưới ánh sáng của học thuật, của những nguyên lý sáng tạo, được đúc rút qua thực tiễn. Chính vì thế mà bài viết của Lê Văn Mí bao giờ cũng mang chiều sâu lý tính. Sắc thái cảm tính trong lý luận - phê bình của Lê Văn Mí không có hoặc rất ít. Nếu có, đó là những lúc, năng lực sáng tác trong anh bừng dậy, có phần lấn át năng lực thẩm bình, khiến mạch văn có phần chệch hướng. Rất may, trong những tình huống như vậy, Lê Văn Mí lại kịp “nắn dòng”, để bài viết lý luận - phê bình của mình tiếp cận gần nhất với phong cách và đặc trưng loại thể. Chỉ lấy ví dụ nhỏ, phẩm chất nói trên hiển hiện ngay trong tên các bài viết của Lê Văn Mí với các khái niệm, thuật ngữ như: đồng sáng tạo; nhìn từ phương diện ngôn ngữ giao tiếp; chất thơ trữ tình; dấu ấn cá tính sáng tạo; điệu hồn; điệu thơ; giá trị nhân văn; thời gian - không gian nghệ thuật; không khí đời sống...

Một ưu điểm và thế mạnh nữa của ngòi bút lý luận - phê bình Lê Văn Mí nói chung, trong tập “Văn chương - một cách tiếp cận” nói riêng, đó là, anh luôn có những phát hiện đáng giá khi thẩm bình một tác phẩm nào đó. Những phát hiện đó thường nêu đúng bản chất vấn đề, gọi đúng tên những phẩm chất đặc sắc của tác phẩm. Ví dụ, với tập truyện ngắn “Ngồi lại với trăm năm” của Nguyễn Lệ Ba, cây bút phê bình Lê Văn Mí đã phát hiện ra “chất thơ trữ tình” ở đây, điều mà chưa chắc nhiều người đã nhìn thấy. Quả thật, chất giọng văn xuôi và cốt truyện trong các truyện ngắn của Nguyễn Lệ Ba bao giờ cũng thấm đẫm chất thơ trữ tình, giàu cuốn hút, khơi gợi. Với thơ Thai Sắc nói chung, Lê Văn Mí đã phát hiện ra hai tín hiệu nổi bật, đó là “đêm” và “điệu hồn” và anh tập trung phân tích, đánh giá, phẩm bình hai đặc điểm nổi trội này, như là một trong những nét phong cách độc đáo của thơ của Thai Sắc. Tương tự, trong tập thơ đầu tay được đánh giá cao của Siêu Thị Chiêu Linh; “Em đâu chỉ nồng nàn”, Lê Văn Mí cũng đã nhận chân hai nét nổi bật ở đây là “điệu thơ” và “điệu hồn” và anh tập trung triển khai làm rõ để định dạng, định danh một giọng thơ mới xuất hiện trên văn đàn Đồng Tháp...

Gần đây, ngoài viết lý luận - phê bình văn chương, Lê Văn Mí cũng đã thử sức mình trong thơ và truyện ngắn (bút danh Lê Sắc Mi), hứa hẹn đem lại và góp thêm một sắc diện cho văn chương Đồng Tháp trên lĩnh vực sáng tác.

Về lĩnh vực lý luận - phê bình văn chương tại Đồng Tháp, với “Văn chương - một cách tiếp cận”, độc giả nói chung, những người làm văn nghệ nói riêng, có quyền tin tưởng và hy vọng, tác giả Lê Văn Mí tiếp tục gặt hái những thành công tốt đẹp, đáng ghi nhận trong chặng đường dâng hiến của mình ở phía trước.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn