Thành công từ sự đam mê nghệ thuật

Cập nhật ngày: 26/02/2014 05:24:07

Sau khi tốt nghiệp ra trường, Trần Thanh Hà về dạy toán ở một trường phổ thông cơ sở, huyện Cao Lãnh. Công tác trong ngành giáo dục tròn 5 năm, niềm đam mê nghệ thuật đã đưa anh đến với phong trào văn nghệ địa phương. Giờ đây, khi nửa đời người hoạt động cho nghệ thuật, dù đạt được nhiều thành công trên các hoạt động văn hóa văn nghệ nhưng niềm đam mê sáng tác kịch, tác phẩm văn xuôi luôn cháy bỏng trong anh.


Tác giả Trần Thanh Hà (bìa phải)

Trần Thanh Hà là tác giả đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và Trung ương. Về làm Chủ nhiệm Nhà văn hóa huyện Cao Lãnh khi tuổi đời còn khá trẻ, lúc này Trần Thanh Hà vừa làm đạo diễn, biên đạo múa đồng thời kiêm luôn diễn viên múa. Trong suốt thời gian hoạt động tại đây, anh đã khơi dậy phong trào văn nghệ ở địa phương, giúp hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc riêng, anh cũng mang về giải A Hội thi Dân số toàn quốc năm 1991 với tiểu phẩm “Hãy giữ lấy tình yêu”.

Đạt được giải thưởng cấp toàn quốc tuyên truyền về ngành dân số, nhưng anh không tự mãn và cho đó là điểm dừng, trái lại, anh đi nhiều hơn, viết nhiều hơn. Từ năm 1987 đến nay, dù trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, công tác ở nhiều ban, ngành từ cấp huyện rồi đến cấp tỉnh như: Phòng Văn hóa Thông tin huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Tòa án huyện, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Đồng Tháp,... anh vẫn say mê văn nghệ và tiếp tục đạt được nhiều giải thưởng, thành tích nổi bật, trong đó có kịch ngắn “Ngôi nhà chia hai” - tác phẩm tiêu biểu được chọn dàn dựng báo cáo Trại sáng tác Đồng Tháp mở rộng đồng bằng sông Cửu Long năm 1998, được dàn dựng biểu diễn tại Sân khấu kịch Sài Gòn năm 2000; kịch ngắn “Tiếng đờn cò” đạt giải I cuộc thi Sáng tác kịch bản sân khấu do Hội Sân khấu TP.Cần Thơ tổ chức mở rộng đồng bằng sông Cửu Long năm 2008; giải nhất cuộc thi Sáng tác kịch bản về các vấn đề mới trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2013 với kịch ngắn “Siêu siêu âm”.

Mới đây, ở thể loại ký, tác phẩm “Về thăm vương quốc của xoài” của anh đã đạt Giải 3 cuộc thi Sáng tác ký văn học đồng bằng sông Cửu Long năm 2013. Ngoài ra, anh còn hàng chục tác phẩm kịch ngắn, kịch dài, tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, ký, âm nhạc, văn học,... đạt giải thưởng cao và được chọn đăng trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương. Gần đây, tác giả Trần Thanh Hà vinh dự được Đài Truyền hình TP.HCM vận động sáng tác kịch bản sâu khấu (theo dạng đặt hàng tác giả chuyên nghiệp). Hầu hết kịch bản anh viết đều được Đài Truyền hình TP.HCM chọn ký hợp đồng dàn dựng, thu hình như: “Mùa hè không êm ả”, “Lời thề”, “Đêm thất trảm”, “Người cận vệ”,...

Tác phẩm anh viết về nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong đó có ngành công an, tư pháp, kinh tế, lịch sử,... Những lĩnh vực tưởng chừng như khô cứng nhưng qua từng trang viết của mình, Trần Thanh Hà đã mang đến cho người đọc, người xem am hiểu thêm những kiến thức trong đời sống đương đại mà cũng không kém phần dày công về mặt nghệ thuật. Giờ là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Chi hội Phó Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và là Phân hội Trưởng Phân hội Sân khấu - Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp, ngoài việc đầu tư sáng tác những tác phẩm chất lượng, Trần Thanh Hà còn dành nhiều thời gian hướng dẫn các tác giả trẻ trong tỉnh sáng tác, dàn dựng tác phẩm kịch.

Nói về chuyện nghề của mình, tác giả Trần Thanh Hà tâm sự: “Thời gian tới, mình sẽ tìm cách tiếp cận nhiều hơn nữa thị trường kịch tại TP.HCM để học hỏi, nâng cao tay nghề hơn, đồng thời góp phần đưa tác phẩm viết về Đồng Tháp, viết về những đề tài ấp ủ đến công chúng gần xa”.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn