Thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 19/09/2012 07:43:18
Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 49 di tích lịch sử văn hóa được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh và 14 di tích lịch sử văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia.
Những năm qua, công tác quản lý di tích đã được các ban, ngành, chính quyền địa phương cùng quần chúng nhân dân quan tâm. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát huy các giá trị di tích cũng được các địa phương chú trọng. Nhiều địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp, đưa các nội dung về bảo vệ, phát huy các di tích vào quy ước, hương ước để nhân dân cùng thực hiện.
Người dân vệ sinh Đình Thường Lạc (thị xã Hồng Ngự)
- di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường thường xuyên và có nhiều biện pháp xử lý kịp thời, góp phần thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó, công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích bằng các nguồn đầu tư từ ngân sách của Trung ương, tỉnh và nhân dân đóng góp đạt hiệu quả, trở thành những điểm du lịch - văn hóa đặc thù, gắn kết vào những tuyến du lịch hấp dẫn có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước mang lại cho cộng đồng những lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần.
Về công tác quản lý di tích, các sở, ngành, UBND tỉnh, huyện đã quản lý đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban quản lý di tích phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các trường học tổ chức nhiều hoạt động như: về nguồn, giao lưu, dã ngoại, nói chuyện truyền thống nhằm giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn và giáo dục truyền thống anh hùng, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên; giới thiệu các di tích văn hóa lịch sử, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn cho du khách đến tham quan nghiên cứu; biên soạn nội dung tuyên truyền giới thiệu cho du khách và nhân dân hiểu được truyền thống và giá trị di tích; tổ chức tốt các lễ hội gắn với di tích giúp cho việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống đạt hiệu quả cao, mọi hành vi mê tín dị đoan diễn ra trong lễ hội đã bị ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp nhân dân dân.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, bên cạnh những hiệu quả đạt được, hoạt động của các Ban quản lý di tích còn một số hạn chế nhất định như: các thành viên trong Ban quản lý các di tích vẫn phải kiêm nhiệm, biên chế cho cán bộ chuyên trách tại các điểm di tích đến nay vẫn còn thiếu và yếu nên dẫn đến những bất cập trong việc quản lý, tu bổ, tôn tạo. Cơ chế chính sách, cơ cấu các thành viên trong Ban quản lý di tích ở một số địa phương chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ, vì vậy vẫn còn xảy ra việc đưa vào di tích các vật thờ tự không phù hợp với loại hình di tích làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn yếu tố gốc của di tích.
Nhiều di tích đang bị xuống cấp ở các cấp độ khác nhau, do phần lớn các di tích cấp tỉnh chưa có sự hỗ trợ kinh phí từ phía Nhà nước, các địa phương thực hiện theo phương thức xã hội hóa đôi lúc không làm đúng văn bản hướng dẫn hoặc không xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý làm suy giảm tính nguyên gốc của di tích.
Nhằm khắc phục những bất cập công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hình thức, mô hình Ban quản lý di tích tại địa phương như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc phân cấp quản lý di tích, trong đó quy định cụ thể về thành phần cơ cấu ban quản lý, cơ chế chính sách, chế độ quản lý di tích. Hàng năm, tổ chức các hội nghị, hội thảo về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời tổ chức cho cán bộ tham quan học tập để nâng cao năng lực chuyên môn công tác bảo tồn, tu bổ di tích.
Như Anh