Truyền hình thực tế thuần Việt - Nỗ lực ghi dấu ấn

Cập nhật ngày: 06/01/2016 04:30:05

Trong khi số lượng các phiên bản truyền hình thực tế ngoại nhập vẫn ồ ạt vào Việt Nam thì ngay cả những chương trình đã tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng với khán giả vẫn phải đau đầu tìm cách kéo khán giả hay thu hút quảng cáo. Các chương trình thuần Việt cố gắng nỗ lực hút khách.

Âm nhạc chuyển hướng

Tại Việt Nam, các show truyền hình thực tế về âm nhạc có tuổi đời và tuổi thọ được xếp vào hàng lâu nhất và luôn thu hút một lượng khán giả đông đảo. Bức tranh ấy tiếp tục được thể hiện đậm nét khi: Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Vietnam Idol, Gương mặt thân quen, Nhân tố bí ẩn... hay các chương trình có quy mô nhỏ hơn: Cùng nhau tỏa sáng, Học viện ngôi sao, Ca sĩ giấu mặt, Tuyệt đỉnh tranh tài... cũng có lượng công chúng nhất định. Nhưng, một điều đã quá quen thuộc, không ít chương trình sức hút đa phần đến từ giám khảo hay những scandal hoặc vô tình, hoặc cố ý chứ không hoàn toàn nằm ở chất lượng thí sinh. Năm 2015, một phiên bản truyền hình thực tế ở lĩnh vực ca nhạc vừa chào sân và ngay lập tức trở thành tâm điểm của công chúng là The Remix/Hòa âm ánh sáng bởi sự mới mẻ, bắt kịp xu hướng giới trẻ hiện nay với thế mạnh đặc trưng của dòng nhạc điện tử (EDM).


Hoán đổi - một phiên bản truyền hình thực tế thuần Việt

Sự chuyển hướng rõ nét nhất trong lĩnh vực âm nhạc phải kể đến sự lên ngôi và thống trị của dòng nhạc bolero trong nhiều phiên bản truyền hình thực tế khác nhau. Solo cùng Bolero - cuộc thi đầu tiên về ca hát ở dòng nhạc này đã thành thương hiệu ngay trong mùa đầu tiên tổ chức, bước sang năm thứ 2 không những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà thậm chí còn được yêu mến hơn. Song hành với nó còn có một cuộc thi khác mang tên Sáng tác cùng Bolero, theo tiết lộ của ê kíp thực hiện là đã nhận được khoảng 2.000 sáng tác mới. Ở các cuộc thi như: Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn... những thí sinh của dòng nhạc này như Hà Vân, Trần Quang Đại, Thiên Nhâm (nay là Thiên Vũ) luôn tạo sức hút và dấu ấn riêng. Ngay cả khi các ca sĩ thành danh còn tìm đến nhạc xưa như cách làm mới mình, nhạc trẻ dần thiếu đi những ca khúc hit có sức lan tỏa và sức sống mãnh liệt cùng thời gian việc khán giả quay lại với nhạc xưa là hệ quả tất yếu.

Nhiều phiên bản thuần Việt xuất hiện

Bão hòa là cụm từ đã được báo chí nhắc đi nhắc lại khi đề cập đến truyền hình thực tế trong khoảng 2-3 năm trở lại đây bởi sự đổ bộ ồ ạt của các phiên bản nước ngoài. Ngoài âm nhạc và hài ở vị thế độc tôn, các chương trình về nhảy múa, thời trang, trò chơi vận động hay thậm chí là truyền hình thực tế về đào tạo hoa hậu cũng nô nức ra mắt khán giả.

Trước sức ép của các phiên bản ngoại với ưu thế sáng tạo, công nghệ hiện đại, ăn khách tại nhiều quốc gia lớn trước khi về Việt Nam, truyền hình thực tế thuần Việt ngày càng chật vật tìm đường phát triển. Ngoại trừ trường hợp của Solo cùng bolero hay Cười xuyên Việt, hầu hết các chương trình đóng mác nội như: Sao mai điểm hẹn, Đồ rê mí, Bài hát Việt... dù đã có thương hiệu và tuổi đời khá lâu cũng không tránh khỏi sức ép cạnh tranh và ngày càng trở nên lép vế hơn. Một thời gian dài, những chương trình này từng làm mưa làm gió sóng giờ vàng VTV3 nhưng sau này đành ngậm ngùi lui về kênh VTV6, nhường sóng cho các phiên bản ngoại ăn khách.

Trong nỗ lực sản xuất chương trình cho người Việt, vì người Việt một số nhà sản xuất trong nước nỗ lực cho ra mắt các phiên bản thuần Việt mới như: Vợ chồng mình hát, Khoảnh khắc sinh tử, Tiếng hát mãi xanh, Cùng nhau tỏa sáng, Khám phá Việt Nam cùng Robert Danhi... Đại diện Công ty BHD từng rất lạc quan chia sẻ rằng, khi thực hiện chương trình Phái mạnh Việt không chỉ được chọn phát sóng giờ vàng VTV3 mà còn có đơn vị nước ngoài tài trợ, lượng theo dõi khá tốt. Sau đó, đơn vị này cũng thực hiện chương trình Hoán đổi với kinh phí đầu tư khá lớn. Bà Lê Đỗ Yến Hương, Giám đốc điều hành Công ty May Q, đơn vị thực hiện các chương trình Tiếng hát mãi xanh, Vợ chồng mình hát, cho biết: “Trong bối cảnh các chương trình truyền hình thực tế format nước ngoài đang làm mưa làm gió, không còn cách nào khác chúng tôi phải chấp nhận cuộc cạnh tranh này. Chúng tôi xác định mong muốn được thực hiện những chương trình thuần Việt, mang ý nghĩa nhân văn nhiều hơn”. Những thành công, có thể không đình đám trên mặt truyền thông như các chương trình được mua bản quyền nhưng thực tế cho thấy nhiều phiên bản ngoại ngày càng trở nên nhàm chán bởi việc lạm dụng chiêu trò, xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Một ưu thế dễ nhận thấy đó là các chương trình này tạo được sự gần gũi bởi yếu tố thuần Việt và khán giả ngày càng thể hiện sự ủng hộ rõ nét hơn. “Chúng ta có lợi thế bởi có nhiều trò chơi dân gian do đó việc làm chương trình không phải quá khó khăn. Khán giả có chấp nhận hay không đều được thể hiện qua chỉ số theo dõi và nguồn thu quảng cáo. Điều chúng ta còn thiếu chính là sự chuyên nghiệp và bài bản như các ê kíp sản xuất nước ngoài”, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6, từng chia sẻ.

Năm 2016, truyền hình thực tế sẽ tiếp tục bùng nổ với nhiều phiên bản mới hay sự thay đổi của các phiên bản cũ. Sức ép, cạnh tranh giữa các đơn vị sản xuất, các phiên bản ngoại nhập - thuần Việt hứa hẹn tạo nên bức tranh đa sắc màu.

VĂN TUẤN (SGGPO)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn