Tuần lễ "Đại đoàn kết": Lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc
Cập nhật ngày: 26/11/2013 05:08:57
Duy trì, bảo tồn, phát huy nét đẹp của các vùng miền là những gì đọng lại từ Tuần lễ Đại đoàn kết dân tộc.
Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội vừa kết thúc với nhiều hoạt động văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc của các vùng miền, sự kiện đặc sắc này đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách và người dân địa phương.
Được diễn ra từ ngày 18 - 24/11, Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” bao gồm nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa như: Triển lãm di sản văn hóa Diều truyền thống Việt Nam, các chương trình ca múa nhạc dân gian, tái hiện không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao phía Bắc, lễ hội đua bò Bảy Núi, lễ hội nàng Hai, lễ hội Căm Mường, lễ hội Ok Om Bok… Các hoạt động này đã thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia.
Lễ hội đua bò Bảy Núi, An Giang được tái hiện tại Tuần lễ. - Ảnh Lê Phú
Có mặt từ sớm tại khu vực trung tâm Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam để xem hội đua bò Bảy Núi, anh Nguyễn Văn Hùng ở Phùng Xá, Hà Nội cho biết: "Lần đầu tiên tôi được xem đua bò Bảy Núi ở đây. Tôi thấy rất thích thú bởi ngoài Bắc không có trò này. Đây là đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer An Giang, Nam Bộ”.
Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” đã quy tụ nhiều già làng, trưởng bản, nghệ nhân của 17 dân tộc thuộc 13 tỉnh, thành phố với khoảng 400 người đại diện cho các vùng miền của tổ quốc. Mỗi dân tộc, mỗi địa phương lại mang đến một màu sắc văn hóa, phong tục, tập quán, phục trang… khác nhau tạo nên bức tranh toàn cảnh sống động và thu hút.
Chị Vàng Thị Mai, dân tộc Mông ở Quản Bạ, Hà Giang chia sẻ: "Tham gia lễ hội là dịp để mọi người được giao lưu và học hỏi kinh nghiệm. Mọi người có thể chia sẻ những bản sắc văn hóa đặc sắc tới giới thiệu mọi người. Mỗi vùng miền, dân tộc đều có những nét văn hóa riêng. Tôi hy vọng những lễ hội như vậy sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để các dân tộc mọi miền đất nước được tham gia nhiều hơn”.
Đồng bào các dân tộc ở các vùng miền khác nhau đã đem đến ngày hội đại đoàn kết những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có của mình. Một lễ hội Nàng Hai cầu mùa, cầu phúc phản ánh đậm nét tín ngưỡng dân gian của người Tày ở Cao Bằng, lễ hội Căm Mường với các trò chơi dân gian độc đáo như: ném còn, đánh gối, đẩy gậy, té nước của người Lự ở Lai Châu, Tết Xíp Xí thể hiện tình yêu quê hương, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình và nhớ ơn người khai phá tạo mường, lập bản của người Thái vùng Tây Bắc…
Trình diễn nghề thủ công truyền thống tại Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc
- Di sản văn hóa Việt Nam".
Trong số những màn tái hiện lễ hội, phong tục đó, nhiều lễ hội còn diễn ra phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nhưng cũng không ít những lễ hội phong tục đã từng bị mai một và mới được phục dựng gần đây. Đây có thể xem là cơ hội để nhiều người biết đến những phong tục truyền thống giàu bản sắc này và cũng là cơ hội để sức sống của những lễ hội, phong tục lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức sự kiện cho biết: "Chúng tôi đánh giá tất cả các hoạt động đã được diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công. Một số sự kiện có thể nói là rất thành công ví dụ như việc tái hiện chợ nổi Nam Bộ, tái hiện đua bò Bảy Núi An Giang là những sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại một địa phương phía Bắc, thu hút rất đông đảo đồng bào và du khách tham dự. Chợ nổi Nam Bộ ngay trong phiên đầu tiên tất cả hàng hóa trên chợ đã được bán hết, lễ hội đua bò Bảy Núi có hơn 10.000 khán giả tới tham dự”.
Có thể thấy, thông qua chất lượng của việc tái hiện các hoạt động, lễ hội đặc sắc của các vùng miền, sự tham gia đông đảo của đồng bào và du khách trong nước, sự lan tỏa hiệu quả của việc tái hiện các nghi lễ, hoạt động này đã và sẽ góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam./.
Đào Yến/VOV