Văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc

Cập nhật ngày: 15/01/2014 05:43:22

Nếu không làm được như vậy, văn hóa sẽ chỉ trở thành đồ trang sức, không tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước.

Khi Nghị quyết TW 5 còn đang trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến để chỉnh sửa, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã rất tâm đắc với đoạn "Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội vào từng cá nhân, vào từng gia đình, vào từng cộng đồng dân cư, từng tập thể lao động sản xuất và chiến đấu để từ đó có khả năng xây dựng xã hội tốt đẹp và con người được sống hạnh phúc”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng đây là một phát hiện mới, một đề xuất mới và táo bạo. Nếu như Đảng làm được điều đó có nghĩa là hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình về văn hóa và xây dựng xã hội.


Văn hoá phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc. (Ảnh: Hà Tuấn)

“Tuy nhiên, trong quá trình đi vào thực tế, dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng do chưa quán triệt sâu sắc được ý tưởng đó nên Nghị quyết TW 5 (Khoá VIII) chưa thành công như mong đợi”- GS.TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhận định.

Trên thực tế của quá trình đổi mới, do quá coi trọng vấn đề kinh tế, chúng ta đã lơ là, không coi trọng đúng vai trò, vị trí của văn hoá, để xảy ra hiện tượng tách rời giữa văn hóa và các vấn đề quan trọng của đời sống.

Trong cuốn “Văn hoá và đổi mới” (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội), nhà văn hoá Phạm Văn Đồng có nêu lên một hiện trạng đáng lo ngại rằng nếu văn hóa cứ như thế này thì con người Việt Nam sống ích kỷ, sống không còn yêu thương nhau nữa thì liệu sắp tới con người Việt Nam sống với ai đây?

Chúng ta chưa quán triệt một cách sâu sắc vai trò văn hóa với ý nghĩa là những giá trị thấm sâu vào đời sống xã hội, theo tư tưởng của Đảng ở trong văn kiện và theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã vận dụng.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng nhiệm vụ số một của văn hóa giai đoạn tới là phải làm cho các giá trị của văn hóa, những thành tựu văn hóa, những sản phẩm văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trước hết là đời sống kinh tế, hoạt động kinh tế, sau đó đến đời sống chính trị tiếp đến là đời sống đạo đức và giáo dục của Việt Nam. Nếu không làm được như vậy thì văn hóa sẽ chỉ trở thành đồ trang sức, sẽ không tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiệm vụ thứ hai là phải phát triển đa dạng và toàn diện các lĩnh vực văn hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú và hiện đại của quần chúng trong thời kỳ hội nhập này để chúng ta có một nền văn hóa phong phú, đồng bộ và tương xứng với dân tộc và có thể đối thoại với văn hóa thế giới.

Nhưng từ đó lại phải chú ý đến chiều sâu của văn hóa, tức là xây dựng những giá trị của văn hóa để nó trở thành những chuẩn mực cho con người và cho xã hội Việt Nam, có khả năng vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của con người nhưng đồng thời quan trọng hơn có khả năng điều chỉnh và định hướng cho sự phát triển của con người xã hội Việt Nam.

“Chúng ta chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa tính đa dạng của các loại hình văn hóa, sự phát triển toàn diện của văn hóa với việc xây dựng văn hóa với tư cách là những giá trị” – GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định.

“Chúng ta đã không chú ý đến giáo dục nhân cách, giáo dục tâm hồn, giáo dục con người. Vì thế đây là một điều chệch hướng của giáo dục vì tách nó ra khỏi văn hóa thì chỉ còn là việc dạy chữ, dạy nghề, dạy chuyên môn” - GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng đề nghị rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn tới là phải đưa văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực quan trọng của xã hội.

Nhiệm vụ thứ 3, theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, là nhiệm vụ có tính thách thức lớn nhất đối với xã hội Việt Nam là xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.

Con người đang đứng trước những biến động về các giá trị nếu không muốn nói là có cả sự đảo lộn giữa các giá trị. Cho nên văn hóa với chức năng của mình phải giúp cho việc xây dựng và đúc kết các giá trị đích thực của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ông Đinh Xuân Dũng cho rằng phải kết hợp đồng thời 3 yêu cầu không thể tách rời nhau:

Một là kiên quyết bảo vệ và phát huy bằng được những giá trị truyền thống tốt đẹp và bền vững của con người Việt Nam trong truyền thống, trong quá khứ.

Hai là phải tỉnh táo chỉ ra một cách khoa học những hạn chế lịch sử của con người Việt Nam ở trong quá khứ để vượt qua và có các biện pháp khắc phục để xây dựng con người thời kỳ mới.

Ba là kiên trì đúc kết những giá trị con người mới đang hình thành trong cuộc đấu tranh cực kỳ gian khổ hiện nay của con người Việt Nam giữa cái cũ và cái mới giữa cái tiến bộ và lạc hậu để chúng ta có một hình mẫu mới của con người Việt Nam do văn hóa xây dựng nên ở trong tương lai./.

Mỹ Trà/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn