Xây dựng môi trường văn hóa hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại trong trường học
Cập nhật ngày: 10/04/2025 05:05:37

ĐTO - Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường với số lượng trường học đạt chuẩn đơn vị văn hóa tăng. Hầu hết, các cơ sở giáo dục ngày càng chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng nhiều hoạt động giáo dục thiết thực, hiệu quả như: các chương trình ngoại khóa về kỹ năng sống, các hoạt động tình nguyện, các Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

Đơn vị Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP Cao Lãnh) tham gia hoạt động vẽ tranh trưng bày với nội dung ca ngợi, tôn vinh nét đẹp của quê hương Đất Sen hồng (tháng 3/2025 tại Bảo tàng tỉnh)
Nhằm tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị văn hóa hiện đại trong trường học, ngành giáo dục tỉnh quan tâm xây dựng trường học thực sự trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục và rèn luyện. Trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là môi trường an toàn, thân thiện để vui chơi, giải trí phát triển toàn diện, đúng với phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhất là các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và địa phương được trân trọng, kế thừa và phát triển một cách sáng tạo.
Trong đó, ngành giáo dục chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục; cán bộ quản lý giáo dục gương mẫu trước giáo viên và học sinh, giáo viên gương mẫu trước học sinh về cách ứng xử trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.
Khai thác triệt để cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của các cơ sở giáo dục và các thiết chế văn hóa tại địa phương (phòng chức năng, sân trường, sân thể thao, hồ bơi, Trung tâm Văn hóa - học tập cộng đồng...) không chỉ phục vụ nhu cầu của học sinh, mà còn phục vụ nhu cầu của cộng đồng khu dân cư. Kết hợp hài hòa giữa chương trình dạy học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ: hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống... giúp học sinh phát triển toàn diện, có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi, cũng như trang bị cho các em khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, thực hành, ngoại ngữ và tin học cho học sinh.
Đặc biệt là giáo dục chất lượng cao, thực hiện một số mô hình, chương trình giáo dục tiên tiến, hợp tác quốc tế tại các cơ sở giáo dục để từng bước đổi mới chương trình giáo dục tiệm cận chuẩn đầu ra của khu vực và thế giới, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Việc thực hiện mục tiêu trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh thông qua nội dung giáo dục với kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại, hài hòa đức, trí, thể, mĩ. Đặc biệt, chú trọng lồng ghép giáo dục các giá trị truyền thống vào nội dung và phương pháp dạy học của các môn học: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Giáo dục địa phương, cũng như thông qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Học sinh hình thành các phẩm chất tốt đẹp về yêu quê hương, đất nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm... phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống và xu thế hiện đại.
Ngành giáo dục thường xuyên giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống xây dựng thế hệ học sinh có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng. Đồng thời khơi dậy ý thức trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, gia đình và xã hội, trang bị cho các em những kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để lập thân, lập nghiệp. Việc phối hợp tốt giữa 3 môi trường giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là vô cùng quan trọng, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ học sinh; phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền giáo dục học sinh luôn có ý thức, gương mẫu chấp hành pháp luật, thực hiện đúng thuần phong, mỹ tục của con người Việt Nam, đặc trưng của con người Đồng Tháp, hình thành những giá trị chuẩn mực về đạo đức, lối sống cho học sinh.
D.C