Xây dựng nhiều mô hình thúc đẩy phát triển văn hóa đọc vùng biên
Cập nhật ngày: 23/01/2025 05:07:20
ĐTO - Theo Trung tâm Văn hóa, thể thao và Truyền thanh (VH,TT&TT) huyện Tân Hồng, văn hóa đọc là nền tảng và tri thức của giáo dục. Một xã hội có văn hóa đọc phát triển là xã hội mà mọi người đều được trang bị những công cụ cần thiết để tự học và phát triển bản thân. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức về phát triển văn hóa đọc. Nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị điện tử mà quên đi việc đọc sách.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Quang Diêu (xã An Phước, huyện Tân Hồng) tham gia đọc sách tại Thư viện xanh của nhà trường được thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa
Trước tình hình đó, nhận thấy được tầm quan trọng của văn hóa đọc, huyện Tân Hồng triển khai nhiều mô hình nhằm củng cố và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng thông qua các điểm đọc sách như: Tủ sách gia đình, các Điểm cà phê sách cộng đồng, các Điểm trà sách Hội quán, Tủ sách dòng họ. Cụ thể: toàn huyện Tân Hồng có 24 Tủ sách gia đình, 3 Điểm đọc sách cộng đồng, 9 Điểm cà phê sách, 8 Điểm trà sách Hội quán, 2 Tủ sách dòng họ, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đọc của người dân tại địa phương. Ngoài ra, trong năm 2024, được sự hỗ trợ của Hội Khuyến học tỉnh, Thư viện tỉnh, huyện Tân Hồng được nhận 13 Tủ sách khuyến học cho các Điểm đọc sách cộng đồng và trường học. Mỗi Tủ sách, Điểm đọc sách cộng đồng có từ 150 - 200 bản sách với nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, lịch sử, kỹ năng sống... phù hợp với nhu cầu của người dân tại địa bàn dân cư và học sinh của các trường.
Ngoài ra, Trung tâm VH,TT&TT huyện Tân Hồng phối hợp các cơ quan, đơn vị, trường học xây dựng phong trào văn hóa đọc, nhất là tại các trường học. Đến nay, toàn huyện Tân Hồng có 29 Câu lạc bộ đọc sách tại các trường Tiểu học, THCS và THPT. Hàng năm, Trung tâm VH,TT&TT huyện tổ chức giao lưu Câu lạc bộ đọc sách với các trường. Đặc biệt, tại các trường học đều có các hoạt động xây dựng văn hóa đọc cho từng cấp học. Cụ thể, ngành học Mầm non, Mẫu giáo có hoạt động “Trẻ em với sách”, cấp Tiểu học có hoạt động “Hè vui đọc sách” và Hội thi “Đọc và giới thiệu cùng đọc”, cấp THCS có hoạt động giới thiệu sách bằng Video clip và Hội thi “Thiếu nhi với văn hóa đọc”, cấp THPT có chương trình phối hợp giữa Trung tâm VH,TT&TT với các trường THPT tổ chức luân chuyển tài liệu và hoạt động tương tác với sách hàng tháng.
Nhìn chung, các Tủ sách khuyến học, Tủ sách cộng đồng tại địa bàn dân cư và trường học đã góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen đọc và phát triển văn hóa đọc tại địa phương. Để phát triển văn hóa đọc từ các Tủ sách khuyến học, Tủ sách cộng đồng trên địa bàn, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường số lượng đầu sách cho các Tủ sách khuyến học, Tủ sách gia đình, Thư viện trường học phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân, học sinh. Đồng thời thường xuyên tổ chức hoạt động tại các Tủ sách cộng đồng, tuyên truyền quảng bá trên các Website, trang mạng xã hội; vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ tài lực, vật lực cho hoạt động Tủ sách cộng đồng. Qua đó, góp phần lan tỏa và phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện vùng biên giới.
DŨNG CHINH