Đồng Tháp

Tăng cường giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Cập nhật ngày: 30/12/2022 09:51:53

Thực hiện Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em (TE) lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 06/9/2021 để triển khai thực hiện. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, phối hợp các ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE.


Đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ các kết quả đánh giá giữa kỳ Dự án phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
(Ảnh P.Lộc)

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 360.885 TE. Trong đó, 2.837 TE có hoàn cảnh đặc biệt, 36.561 TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 22.498 TE thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 6.569 TE có cha, mẹ làm ăn xa; 3.773 TE trong gia đình có các vấn đề về xã hội; 2.400 TE mồ côi. Đây là nhóm TE có nguy cơ cao tham gia lao động trái với quy định của pháp luật. Công việc mà các em tham gia chủ yếu là bán vé số, bán hàng rong, lột sen, hái ớt, chăn giữ vịt, phụ quán, phụ hồ...

Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn kiến thức về lao động TE cho 100% nhân viên y tế khóm, ấp và gần 500 lượt phụ huynh, người chăm sóc trẻ tại các huyện, thành phố. Tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức về lao động TE cho hơn 700 lượt TE trong toàn tỉnh tham gia. Bên cạnh đó, tập huấn kỹ năng truyền thông về lao động TE cho 48 học sinh các trường THCS. Từ những kiến thức được trang bị, các em đã tổ chức truyền thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ cho hàng ngàn lượt học sinh tại trường về biện pháp phòng ngừa lao động TE.

Ngoài ra, giai đoạn 2020 - 2024, được sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Sở LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện Dự án phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE tại 10 xã thuộc huyện Tháp Mười, huyện Thanh Bình và TP Sa Đéc. Nội dung gồm các hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông hiểu về lao động TE, quy trình trợ giúp can thiệp... cho các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người làm công tác TE các cấp, cho nhóm phụ nữ yếu thế và nhóm TE nòng cốt trong dự án. Đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, hiểu về lao động TE, quy trình can thiệp, hỗ trợ lao động TE cho gần 500 lượt đại biểu là đại diện các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện, người làm công tác TE và một số ban, ngành địa phương. Tổ chức sinh hoạt nhóm cho 300 phụ nữ yếu thế nhằm trang bị cho người nuôi dưỡng TE các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, vay vốn, sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Thực hiện truyền thông nhóm cho 300 lượt cha, mẹ nhằm nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của lao động TE... Kết quả, cộng tác viên công tác xã hội 10 xã dự án đã đưa vào danh sách quản lý 1.334 trẻ (8 trẻ là lao động TE, 1.326 trẻ nguy cơ). Trong đó, có 943 trẻ được vãng gia tư vấn, can thiệp, kết nối nhiều nguồn lực để trợ giúp, phòng tránh nguy cơ trở thành lao động TE, có 3 em được hỗ trợ học nghề.

Trong tháng 12/2022, tại TP Cao Lãnh, được sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí từ UNICEF, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UNICEF và Tổ chức Cứu trợ TE tổ chức Hội thảo chia sẻ các kết quả đánh giá giữa kỳ Dự án phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE. Nội dung chính của hội thảo nhằm đưa ra kết quả đánh giá giữa kỳ của dự án; thảo luận chung về các chiến lược can thiệp trong giai đoạn tới và kế hoạch hoạt động của dự án trong năm 2023. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực hành giữa các đối tác dự án ở địa bàn tỉnh Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh.

Qua chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị thực hiện dự án tại TP Hồ Chí Minh gồm: Hội Bảo vệ quyền TE, Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 10, UBND xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè), các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra các giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2023. Đồng thời đề xuất UNICEF tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí để triển khai dự án, tập trung các hoạt động tư vấn, giải pháp hỗ trợ sinh kế cho gia đình, tăng cường phát hiện, trợ giúp học sinh thuộc nhóm nguy cơ trong trường học, tuyên truyền kiến thức về lao động TE cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của TE trong hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu lao động TE, quản lý chặt chẽ để kịp thời can thiệp, kết nối trợ giúp cho TE tham gia lao động trái quy định pháp luật và trẻ nguy cơ cao.

NGỌC NHUNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn