Phòng, chống bệnh cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1:

Người dân cần biết để chủ động phòng bệnh

Cập nhật ngày: 07/07/2018 09:01:08

ĐTO - Tính từ đầu năm đến nay, tuy số người nhiễm cúm A (các chủng virus H1N1 và H5N1) ở nước ta không nhiều và không bùng phát mạnh như năm 2009, nhưng các chùm ca bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương trong cả nước. Những ngày gần đây ở TP.Hồ Chí Minh đã có trường hợp tử vong do bệnh cúm A/H1N1.

Để giúp người dân hiểu và phòng tránh tốt 2 bệnh cúm này, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Trần Văn Hai - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Tháp.


Thạc sĩ Trần Văn Hai - Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình bệnh cúm xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Thạc sĩ Trần Văn Hai: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (1 ca tại xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông; 1 ca tại phường Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc). Cúm A/H5N1: từ năm 2015 đến nay thì không ghi nhận có ca mắc.

PV: Thưa ông, bệnh cúm A/H1N1 là gì, nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe người bệnh?

Thạc sĩ Trần Văn Hai: Bệnh cúm A/H1N1 là bệnh cúm mùa rất thường gặp, bệnh thường mắc nhiều vào thời điểm giao mùa. Bệnh lây rất nhanh, lây trực tiếp từ người qua người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi-rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

 Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A/H1N1: bệnh nhân có biểu hiện sốt trên 38oC, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Thông thường bệnh có diễn tiến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 -7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính, phụ nữ có thai,... bệnh có thể diễn tiến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

PV: Bệnh cúm A/H5N1 nguy hiểm như thế nào, thưa ông?

Thạc sĩ Trần Văn Hai: So với bệnh cúm A/H1N1 thì cúm A/H5N1 nguy cơ tử vong cao hơn. Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người nên người dân cần đặc biệt quan tâm phòng lây bệnh này.

PV: Ngành y tế đã có kế hoạch, giải pháp như thế nào trong việc phòng, chống bệnh cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1?

Thạc sĩ Trần Văn Hai: Ngành y tế đã chủ động lập kế hoạch phòng, chống dịch, bệnh ngay từ đầu năm; chủ động thành lập đội cơ động để ứng phó với các tình huống của dịch. Tăng cường công tác truyền thông đến người dân các biện pháp phòng bệnh. Chủ động giám sát phát hiện bệnh sớm từ các kênh như: hệ thống giám sát, báo cáo từ các tuyến; thông tin ghi nhận từ cộng đồng cũng được điều tra xác minh. Ban hành qui chế phối hợp giữa ngành y tế và thú y trong công tác trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người (trong đó có cúm A/H5N1); phối hợp xử lý khi có dịch, bệnh xảy ra.

PV: Ông có những lời khuyên gì để người dân phòng tránh lây bệnh cúm A/H1N1 cũng như cúm A/H5N1 hiệu quả, thưa ông?

Thạc sĩ Trần Văn Hai: Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, khuyến cáo được đưa ra:

- Đối với cúm A/H1N1:

+ Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

+ Vệ sinh và mở cửa phòng thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

+ Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

+ Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em.

+ Nếu phải tiếp xúc với người bệnh, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m.

+ Tiêm phòng vắc-xin (nếu có) là biện pháp quan trọng để phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao.

+ Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi-rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

- Đối với cúm A/H5N1:

+ Sử dụng gia cầm và chế phẩm của gia cầm phải rõ nguồn gốc, đã được kiểm định và chế biến an toàn.

+ Không ăn tiết canh được chế biến từ gia cầm.

+ Không ăn thịt gia cầm chết, không vứt gia cầm chết bừa bãi (mà phải báo cho cơ quan thú y biết để xử lý).

+ Chủ động tiêm phòng cho gia cầm nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại.

+ Đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu nghi ngờ.

PV: Xin cảm ơn ông!

KIM NGÂN (thực hện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn