Người dân cần chủ động phòng, chống bệnh dại

Cập nhật ngày: 22/05/2018 06:00:53

ĐTO - Ngành y tế cảnh báo, từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm nắng nóng, bệnh dại dễ bùng phát, công tác phòng, chống bệnh dại cần được quan tâm, chú trọng.


Tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại cho người dân tại phòng tiêm ngừa Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Tháp.
Ảnh: K.NGÂN

Nguy cơ lây lan bệnh dại từ động vật sang người

Ông Dương Ân Hận – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp cho biết, trong 11 năm trở lại đây ( 2007-2017), toàn tỉnh có 10 ca bệnh dại, 100% ca mắc đều tử vong. Năm 2007 và năm 2015 có số mắc cao nhất, 3 ca/năm. Từ năm 2011- 2017, hàng năm trung bình có khoảng 14.500 người phơi nhiễm được tiêm vắc-xin phòng bệnh và khoảng 380 người tiêm huyết thanh kháng dại.

2 năm gần đây (2016 - 2017) số người tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại có xu hướng tăng cao hơn các năm trước. Cụ thể: năm 2017, số người đến khám, tư vấn và điều trị dự phòng tăng cao đột biến, hơn 19 ngàn người. 4 tháng đầu năm 2018 có hơn 5.500 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng.

Tại phòng tiêm ngừa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chúng tôi gặp chị T. đang dẫn cháu đi tiêm ngừa vì bị chó lạ cắn. Chị T. cho biết: Cháu tôi mới 5 tuổi, sang nhà hàng xóm chơi không may bị chó cắn, lo cháu mắc bệnh dại nên đưa đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Khi được hỏi những kiến thức về bệnh dại, chị T. cho biết thêm: Tôi có nghe trên báo, đài thông tin về bệnh dại, biết bệnh này lây từ động vật sang người, ở nông thôn hiện nay tình trạng nuôi chó mèo thả rong vẫn còn nhiều, nguy cơ nhiễm bệnh dại do chó, mèo cắn.

Mặc dù là bệnh rất nguy hiểm có thể gây chết người, tuy nhiên, trong những năm qua, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Với tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh hơn 30 ngàn con (số liệu thống kê năm 2017), tỷ lệ tiêm phòng dại 4 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt gần 30%.

Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại chó, mèo nuôi trên địa bàn đạt tỷ lệ thấp chủ yếu do các nguyên nhân: Mạng lưới thú y cơ sở không còn, ảnh hưởng đến công tác giám sát phòng, chống bệnh dại; nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nhận thấy được vai trò trách nhiệm của mình trong việc tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi để bảo vệ sức khỏe của gia đình, cộng đồng; một số người dân nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa không tiêm phòng dại cho chó, mèo nuôi vì lý do không có tiền (hiện tiêm phòng vắc-xin dại theo cơ chế dịch vụ, kinh phí tiêm phòng do chủ nuôi chó mèo chi trả)...

Để công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chuyên ngành, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng, người dân để hạn chế bệnh lây sang người.

Chỉ tiêm phòng mới ngăn ngừa được bệnh dại

Để loại trừ bệnh dại trên người, cần phải quản lý được tổng đàn chó thực tế, tăng tỉ lệ tiêm phòng và bảo đảm có vắc-xin kịp thời cho những người bị chó cắn.

Theo bác sĩ Dương Ân Hận, tiêm phòng cho chó là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn bệnh dại lây sang người. Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu thực hiện các biện pháp sau: Chủ động tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn.

Để phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rong chó mèo, chó ra đường phải đeo rọ mõm.

Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm... cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Bệnh dại chỉ có thể phòng, không thể cứu được, một khi đã lên cơn dại thì 100% tử vong.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi người bệnh lên cơn dại thì 100% dẫn tới tử vong.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn