“Ồn ào” - dễ lây lan và nên tránh

Cập nhật ngày: 20/09/2024 13:25:13

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240920012604dt2-9.mp3

 

ĐTO - “Ồn ào” được nói ở đây là tình trạng một sự kiện, sự cố thường tình nhưng có người kể lại, thuật lại đưa đến đám đông bàn luận, tranh cãi “sôi nổi” và kéo dài gần như “bất tận”. Một cách nói khác, “chuyện bé xé ra to”. “Ồn ào” là một hành vi xuất hiện từ tâm sinh lý của con người. Ngày nay, sự “ồn ào” có nhiều yếu tố “trào dâng”. Nó làm cho mỗi người khó phân biệt đâu là chuyện chính và đâu là việc phụ. Bài viết về “ồn ào” góp phần làm rõ cái “dễ” lây lan của nó và việc nên tránh để không bị cuốn vào sự vô bổ ấy.

Theo tiếng Việt, ồn ào là phó từ (trạng từ) đề cập việc “có nhiều người nói, to và xen lẫn lộn” (cãi nhau ồn ào). Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày nói riêng hay hoạt động chính trị - xã hội nói chung, chúng ta hay bắt gặp cảnh “ồn ào”. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, một loạt sự kiện đã gây nên cảnh “ồn ào”. Hiện đang “đình đám” về Facebook với dòng chữ “lạ tai” của một em học sinh lớp 12, sự kiến nghị thay đổi thể chế chính trị của bậc hưu trí, buổi trình diễn ở nước ngoài của vài nghệ sĩ với lá cờ “vàng ba sọc” đến hành xử bạo lực của chủ nhân đối với trẻ tại một cơ sở nuôi dưỡng... Thật ra, những chuyện tương tự như vậy là vấn đề “muôn thuở”, “chuyện thường ngày ở huyện”. Trước kia, chuyện “trong nhà, ngoài phố” từng ỏm tỏi. Nhưng khác hẳn với “xưa”, “ồn ào” hiện nay có thể được nhận diện với nhiều nguyên nhân đan xen và không loại trừ có sự ác ý. Chúng ta cùng xem xét những yếu tố dưới đây:

Tâm lý đám đông

Tâm lý đám đông (tâm lý bầy đàn) là thuật ngữ dùng để chỉ việc một nhóm người bị ảnh hưởng bởi các hành động của đám đông mà không có chủ đích từ trước. Chúng ta thường bắt gặp trạng thái “hùa theo” (nói theo, làm theo) mà chưa có sự minh định đúng sai một cách rõ ràng. Sức mạnh của đám đông khi lên án, bày tỏ sự giận dữ, đập phá... có tính hủy hoại vô cùng lớn lao. Hiện nay, khi nói đến đám đông là nói đến cả số lượng người đông hơn, có điều kiện tập hợp, liên kết lại tại một nơi hay thời điểm nào đó. Chẳng hạn, hiện Việt Nam đạt 100 triệu người với mật độ cao và sử dụng internet đến 78,6% dân số (năm 2022) và dân số thế giới có 8,2 tỷ người với 63,1% dân số dùng mạng xã hội (năm 2021).

Tâm lý chứng minh mình hiểu, mình đúng

Bên cạnh tâm lý đám đông, con người còn có tâm lý muốn chứng minh mình hiểu về sự việc nào đó. Đôi khi, người dẫn chuyện không phải là người chứng kiến trực tiếp. Dù chỉ nghe người khác kể lại, nhưng họ tường thuật với nhiều tình tiết không khác gì người trong cuộc. Cùng với ác ý, họ dựng chuyện, thêu dệt, đơm đặt làm cho người nghe khó lòng kềm chế cơn thịnh nộ. Thi thoảng, chúng ta bắt gặp một ít người “nói như thánh phán”. Thông thường, những kẻ như vậy có rất ít thông tin, thậm chí mù thông tin về vụ việc đã nói.

Thời đại mạng xã hội

Chúng ta đang sống, chứng kiến và trực tiếp tham gia vào mạng xã hội. Công nghệ thông tin, số hóa, internet làm cho thông tin bùng nổ và chuyển tải với tốc độ “chóng mặt”. Một sự kiện ở “phương trời” nào đó đến với chúng ta như nhà người láng giềng. Chuyện “bé tí” có thể thổi bùng lên như bão. Mạng xã hội là yếu tố chính làm cho sự việc trở nên “ồn ào” nhất.

Dụng ý của kẻ xấu

Sự “ồn ào” có thể bùng lên và tàn lụi nhanh chóng như “lửa rơm” chỉ vì tâm lý con người. Nhưng, kẻ xấu có thể lợi dụng sự “ồn ào” ấy, “nuôi dưỡng” nó thành “cao trào” nhằm thực hiện ý đồ đen tối. Họ kích hoạt, thậm chí khuynh đảo dư luận xã hội tạo nên “làn sóng”, “cuồng phong” của quần chúng thiếu hiểu biết, không tỉnh táo.

Như trên phân tích, “ồn ào” là một hiện thực xuất hiện trong cộng đồng của xã hội người. Trong thời đại thông tin bùng nổ, “ồn ào” có “mảnh đất” để nảy nở. “Ồn ào” sẽ trở thành những bi kịch khi có kẻ xấu lợi dụng phát tán. Trước sự “ồn ào” đó, những người chứng kiến phải là những người thông minh. Tương tự như người tiêu dùng thông minh để lựa chọn hàng hóa có chất lượng, người chứng kiến thông minh nên xem (nghe/đọc) sự kiện “ồn ào” như là một thông tin. Và từ đây, phân tích tính xác thực của nó, mức độ tin cậy của tình tiết, nguyên nhân lan truyền và sự tác động của vấn đề. Theo đó, mỗi người tự trả lời có cần tham gia vào sự “ồn ào” này không.

“Ồn ào” là một phần của cuộc sống và nó cho chúng ta thông tin nếu biết chứng kiến thông minh. Ngược lại, “ồn ào” làm cho cộng đồng mệt mỏi, thậm chí là bi kịch một khi bị cuốn vào sự “ồn ào” bởi dụng ý xấu. Ở đây, không phải “phớt lờ”, “bỏ ngoài tai”, chúng ta đối mặt với sự “ồn ào” bằng sự tĩnh lặng, lắng nghe, thấu hiểu. Thấu hiểu không chỉ bản thân sự việc “ồn ào”, mà còn các sợi dây liên kết của nó. Và như vậy, sự “ồn ào” hóa ra sẽ thắp sáng thêm sự hiểu biết của chúng ta.

Dân Biện

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn