​World Cup 2018 không có “bảng tử thần” sẽ mất vui?

Cập nhật ngày: 02/12/2017 14:31:30

Cụm từ “bảng tử thần” không thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông sau khi có kết quả bắt thăm chia bảng vòng chung kết (VCK) World Cup 2018.


Một màn trình diễn tại lễ bốc thăm chia bảng VCK World Cup 2018 đêm 1/12 tại thủ đô Moscow (Nga). Ảnh: REUTERS

Các ông lớn Brazil, Đức, Pháp đều ở những bảng rất “ngon lành”. Chủ nhà Nga là hạt giống được xếp hạng thấp nhất cũng không thể hài lòng hơn khi vào bảng có Ai Cập, Saudi Arabia và Uruguay. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tuy có vào chung một bảng nhưng họ trên hai đối thủ còn lại là Iran và Morocco khá xa. Tương tự như vậy với Anh và Bỉ nằm chung bảng với Tunisia và Panama.

Nhiều người cho rằng Argentina sẽ gặp khó khăn trong bảng có Nigeria, Croatia, Iceland. Đúng, nhưng chính Argentina cũng gặp khó khăn ngay tại chính khu vực Nam Mỹ của họ và phải đến trận cuối mới giành được vé tới Nga. Thế nên nếu Argentina tiếp tục khó khăn ở nước Nga cũng chẳng lạ. Có lẽ bảng tương đối cân bằng nhất là bảng có Ba Lan, Senegal, Nhật Bản và Colombia.

Kết quả bắt thăm này tốt cho nhà tổ chức, các nhà tài trợ, các đội bóng lớn vì mọi thứ có thể diễn tiến theo đúng tiên đoán. Nhưng với khán giả trung lập, cơ hội được xem các trận đấu “một mất một còn” giữa các ông lớn ở vòng bảng không có nhiều, nghĩa là vòng bảng không gây thật nhiều hứng thú đối với họ.

Nhìn lại hai kỳ World Cup gần đây, các bảng đấu đều cân bằng và gay cấn hơn. Năm 2010 ở Nam Phi, hai đội Pháp và Ý bị loại ở vòng bảng, có những bảng đấu khó khăn như Brazil, Bồ Đào Nha, Bờ Biển Ngà ở cùng một chỗ. Năm 2014 ở Brazil thì đương kim vô địch Tây Ban Nha cùng Anh, Ý, Bồ Đào Nha, Croatia bị loại, có những “bảng tử thần” như Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Úc hay Đức, Mỹ, Bồ Đào Nha, Ghana.

Nhưng cũng hy vọng rằng ấn tượng ban đầu về kết quả bắt thăm đối với mọi người là không đúng, có nghĩa là trình độ giữa các đội bóng ở các châu lục không chênh lệch nhau. Như ta thấy rằng tại World Cup 2014, Costa Rica đứng đầu bảng có Uruguay, Anh và Ý, sau đó lọt vào sâu, chỉ chịu thua Hà Lan khi thi sút luân lưu 11m ở vòng tứ kết.

Hoặc Algeria kéo đội Đức, sau đó trở thành nhà vô địch giải đấu, chơi hết 120 phút ở vòng 1/8. Hay chủ nhà Brazil nếu không may mắn nhờ cột dọc đỡ bóng giúp thì đã kéo cờ trắng trước Chile cũng ở vòng 1/8, Chile thua trong loạt thi sút 11m.

Sự chênh lệch trình độ giữa các đội tại World Cup 2014 không lớn, thể hiện qua việc đến 2/3 số trận ở toàn giải hoặc là hòa, hoặc chỉ chênh lệch 1 bàn, và 5/8 trận ở vòng 1/8 phải được phân định sau 120 phút. Đến đội á quân như Argentina thì trong 4 trận đấu loại trực tiếp sau vòng bảng, họ cũng chỉ ghi được vỏn vẹn 2 bàn thắng.

Vậy nên cứ hy vọng rằng các đội bóng châu Á, châu Phi hay Trung Mỹ sẽ chơi tốt và gây bất ngờ trước các đồng nghiệp châu Âu và Nam Mỹ tại World Cup 2018, sẽ có những hiện tượng như Costa Rica như 4 năm trước. 

THÁI HÀ (TTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn