Cửa đã rộng nhưng đường còn xa với tuyển Việt Nam
Cập nhật ngày: 18/10/2019 04:53:47
Thầy trò Park Hang-seo đã nhìn thấy cơ hội vào vòng loại cuối của World Cup 2022 khu vực châu Á, nhưng không có nghĩa họ đã nắm chắc được điều gì.
Trận thắng Indonesia không có ý nghĩa của một trận cầu đinh, nhưng mang đến hàng loạt dữ kiện, con số quan trọng, buộc Việt Nam phải thật sự lưu tâm khi tính toán cho mục tiêu giành vé vào vòng loại cuối cùng.
Quang Hải đi bóng trong sự truy cản của cầu thủ Indonesia, trong trận đấu hôm 15/10 ở vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Đức Đồng
Đầu tiên, là tin tốt. Đó là số điểm tối đa mà đội tuyển của HLV Park Hang-seo có thể đạt được. Trong tám bảng đấu của vòng loại khu vực châu Á, chỉ có ba bảng A, B, F là xuất hiện các đội bóng đạt điểm tối đa (chín điểm sau ba trận). Đây là điều đã được dự báo bởi mỗi bảng này có đến hai đội "lót đường", nên nhiều khả năng, đây cũng là các bảng đấu có đội nhì bảng sở hữu điểm số rất cao khi so kè các vé vớt. Ở một bảng nặng như Việt Nam, bảy điểm sau ba trận có thể xem là tuyệt đối. Trung bình Việt Nam đạt 2,3 điểm mỗi trận và nếu duy trì tỷ lệ này cho đến khi kết thúc vòng loại, chúng ta sẽ có từ 17 điểm đến 19 điểm. Đây là con số mà theo tính toán, nếu không nhất bảng thì cũng sẽ nằm trong nhóm bốn hoặc năm đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.
Trận thắng Indonesia cũng đem lại một thuận lợi có tính thời điểm khác cho Việt Nam. Với thất bại này, Indonesia đã không còn hy vọng đi tiếp vào vòng sau. Tuy nhiên, do vòng loại World Cup đồng thời cũng là vòng loại Asian Cup 2023 nên về lý thuyết, Indonesia vẫn còn động lực để thi đấu nhằm hướng đến các vị trí thứ ba hoặc thứ tư trong bảng (dự vòng loại thứ ba Asian Cup). Vì vậy, họ có thể vẫn chơi cố gắng ở những lượt đấu tới trước Malaysia, Thái Lan hay UAE. Với hoàn cảnh hiện tại, có thể Indonesia chỉ là "túi đựng điểm" của các đội trong bảng G, nhưng cũng có thể sẽ đá theo kiểu "không còn gì để mất" cho các đối thủ khác trước khi tắt hết mọi hy vọng ... và gặp Việt Nam trận cuối.
Xét về chủ quan, con đường trước mắt của thầy trò HLV Park Hang-seo đã thông thoáng hơn rất nhiều so với lúc bốc thăm chia bảng. Chưa kể, chúng ta chỉ mới đá một trận sân nhà.
Nhưng nếu đã xem Indonesia như đội "lót đường", thì trận thắng tại Bali lại có quá ít giá trị thực tế. Bốn đội còn lại của bảng G cũng đều lấy trọn ba điểm trước Indonesia, nhưng xét về hiệu số có được, Việt Nam chỉ làm tốt hơn Malaysia, kém Thái Lan (thắng 3-0) và UAE (thắng 5-0). Chi tiết này cho thấy, có điểm số đạt yêu cầu, nhưng nhiệm vụ của HLV Park Hang-seo vẫn nặng nề: phải thắng Thái Lan và UAE trên sân nhà trong hai trận liên tiếp ở tháng 11. Sau đó mới nói đến chuyện nhất hay nhì bảng.
Chiến thắng tại Bali chưa nói lên điều gì, diễn biến cũng chẳng để lại điều mới mẻ nào. Dù có ba bàn, số cú sút cầu môn chính xác của Việt Nam không hơn Indonesia. Bốn tình huống nguy hiểm nhất, bao gồm quả 11m cuối trận, đều đến từ sai lầm của các cầu thủ phòng ngự Indonesia. Trong khi đó, hai tình huống sút bóng trúng đích còn lại đến từ sút xa. Nói Indonesia thua vì quá yếu, quá thiếu kinh nghiệm và bạc nhược về tinh thần có lẽ sẽ chuẩn xác hơn là Việt Nam đã có một chiến thắng áp đảo.
Nói cách khác, việc ghi bàn vẫn là một bài toán của HLV Park Hang-seo. Chúng ta không có nhiều cơ hội trên sân Thái Lan, thắng Malaysia bằng một pha ghi bàn cực khó của Quang Hải, rồi giải quyết Indonesia nhờ hai bàn thắng từ tình huống cố định của hai trung vệ. Tính từ trận thắng Yemen ở Asian Cup 2019, Việt Nam hầu như không còn tạo ra cơ hội ghi bàn từ các pha đá phạt cố định, nhất là trước vòng 16m50. Đây là một con số đáng báo động đối với một đội bóng có nhiều cầu thủ có kỹ thuật cá nhân tốt, dám cầm bóng đột phá và chơi phối hợp nhỏ trong tấn công.
Tất nhiên HLV Park Hang-seo thấy rõ điều đó và bản thân ông có cách xử lý hoàn hảo như một "Thầy phù thủy". Những pha chuyền dài ra sau lưng các hậu vệ đối phương, số bàn thắng đến từ các pha đá phạt góc đang ngày một tăng lên. Cứ thêm một khó khăn, thầy Park lại hóa giải bằng "chiêu thức" mới cứ như thể không có đối thủ nào biết được Việt Nam sẽ đánh bại họ ra sao.
Nhưng công bằng mà nói, Việt Nam vẫn chưa đi được đến đâu cả, dù vị thế của đội bóng số một Đông Nam Á là không phải bàn cãi. Việc duy trì mạch trận thành công đang củng cố tham vọng giành vé vào vòng loại cuối cùng, nhưng đồng thời nó cũng có thể khiến đội bóng của HLV Park Hang-seo quên mất... cảm giác thua trận.
Đấy là vấn đề đã xuất hiện ở hai trận đấu gần nhất. Khi Malaysia và Indonesia dồn lên trong thế không còn gì để mất, hệ thống phòng ngự của Việt Nam bắt đầu mắc lỗi về tập trung trong thi đấu, những kiểu sai lầm nằm ngoài chuyên môn, đấu pháp nhưng dễ dàng khiến công sức của hàng công đổ sông đổ biển. Pha xuất tướng sai vị trí của thủ môn Đặng Văn Lâm trong tình huống ném biên ở trận Mayalaysia, tình huống một đánh ba thành công của Indonesia, hay như pha đá phạt đền hỏng của Đỗ Hùng Dũng. Xét trong một trận đấu cụ thể, có thể không gây ra nhiều tai hại nhưng nếu tính cả một quá trình thì đáng để lo lắng.
Hành trình của vòng loại World Cup 2022 vốn cực kỳ khó dự báo, và công thức để đi tiếp vào vòng sau chỉ có một: Không để thua và cố gắng thắng nhiều nhất có thể. Hoàn cảnh đó yêu cầu một sự tập trung ở mức cao nhất, trận sau phải tốt hơn trận trước. Điều đáng ngại là Thái Lan lại đang làm rất tốt điều này. Họ đã hoàn toàn thay đổi. Triết lý làm việc và năng lực của HLV người Nhật Bản Akira Nishino đang tạo ra một Thái Lan trở nên đáng sợ về kỷ luật thi đấu, bù lại cho chất lượng con người của họ vẫn đang dậm chân tại chỗ. Xuất phát vòng loại ở một vị thế kém hơn Việt Nam, đó cũng là lý do mà Thái Lan càng đá càng nguy hiểm. Rất khó để nhận định về khả năng tiến bộ của họ, trong khi với Việt Nam, những vấn đề về cảm giác bóng của Văn Hậu, Công Phượng, chấn thương của Tuấn Anh, Xuân Trường... và việc "chấp" hàng tiền đạo đang khiến cho thầy Park phải làm việc nhiều hơn dù nguồn lực trong tay ông đang cạn dần.
Song Việt (VNE)