Võ cổ truyền Việt Nam

Cập nhật ngày: 04/03/2015 13:43:23

Mặc dù chưa nằm trong hệ thống thi đấu quốc tế và phát triển chưa mạnh bằng một số môn võ khác, nhưng võ cổ truyền Việt Nam vẫn thu hút đông đảo giới trẻ tập luyện với những đòn thế đa dạng và đẹp mắt. Tại Đồng Tháp, võ cổ truyền cũng được duy trì và đang trên đà khởi sắc.

Võ cổ truyền Việt Nam dùng để chỉ những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc, được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù. Với những kỹ pháp võ thuật này, người Việt Nam đã dựng nước, mở mang và bảo vệ đất nước suốt trong chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm. Ở Đồng Tháp, môn võ cổ truyền hình thành từ 3 thập niên trước và được duy trì cho đến hôm nay. Hiện tại, võ cổ truyền đang phát triển mạnh mẽ với quy mô rộng khắp từ những đô thị: TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc đến các vùng nông thôn ở các huyện Lai Vung, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tân Hồng, trong đó phải ghi nhận đến niềm đam mê và sự tâm huyết của các võ sư: Võ Minh Chủng, Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Đình Quý, Nguyễn Lê Thái... trong việc truyền thụ môn võ cổ truyền của dân tộc cho thế hệ trẻ.

“Võ thuật cổ truyền Việt Nam thích hợp với nhiều loại địa hình, thực dụng, linh hoạt. Dĩ công vi thủ, lấy nhu chế cương, dĩ đoản chế trường; các bài quyền đều có lời thiệu bằng thơ, phú, muốn luyện thành thạo phải luyện với thiên nhiên nơi có khí trong lành, để tăng khí công trong người, khi đó ra đòn sẽ mạnh hơn” - Võ sư Nguyễn Văn Khang, huấn luyện viên võ thuật huyện Lai Vung cho biết. Bên cạnh những bài quyền mang dáng dấp đặc trưng thì sự tinh hoa của võ cổ truyền còn được thể hiện qua các bài khí công với những phần biểu diễn vô cùng đặc sắc mà các võ sư đã dầy công khổ luyện.

Xã Tân Hòa, huyện Lai Vung được xem là 1 trong những nơi có phong trào võ cổ truyền mạnh của tỉnh. Nhiều thiếu nhi cho đến thanh thiếu niên ở đây ngày ngày hăng say luyện võ. Thành công đó phải kể đến vai trò của võ sư Nguyễn Văn Khang. Với những tâm huyết của mình, ông đã gầy dựng và đưa võ cổ truyền tại đây phát triển.

Theo võ sư Nguyễn Văn Khang, ông luôn cố gắng truyền dạy cho các học trò những gì tinh túy nhất trong võ học võ cổ truyền. Mỗi môn sinh khi mới bắt đầu học đều được dạy các bài quyền và đặc biệt là luyện nội công, vận dụng tối đa những nội lực trong cơ thể để phát huy trong quá trình tập luyện cũng như khi biểu diễn.

Với đông đảo võ sinh trong và ngoài nước theo học môn võ này, hàng năm Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đều tổ chức các giải đấu và Festival võ thuật thường niên cả trong nước và quốc tế. Sở dĩ nhiều người ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tìm hiểu và rèn luyện võ cổ truyền Việt Nam vì nó có đòn thế đa dạng, linh hoạt, đẹp mắt và tính thực tiễn cao. Thời gian gần đây môn võ cổ truyền tại Đồng Tháp đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các ngành, các cấp cũng như đông đảo giới trẻ hưởng ứng, tham gia tập luyện. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong việc gìn giữ và phát huy những tinh hoa của võ Việt Nam.

Lê Vinh

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn