“Dù rằng đời ta thích hoa hồng”

Cập nhật ngày: 07/01/2019 14:56:29

http://baodongthap.com.vn/database/video/201901070256567-1 DU RANG DOI TA THICH HOA HONG.mp3

Đến thăm Chứng tích tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ ở Ba Chúc, An Giang, những người có lương tri không khỏi bàng hoàng, kinh hãi. Trong lồng kính chồng chất những xương người, những hộp sọ không còn nguyên vẹn với hố mắt trống rỗng nhưng hình như trong đó là những câu hỏi nhức nhối.

Ngày 30/4/1977, Khmer Đỏ đã đồng loạt tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây - Nam Việt Nam. Trong 12 ngày, từ ngày 18 - 30/4/1978, quân Khmer Đỏ đã đã thảm sát 3.157 người dân Ba Chúc vô tội bằng những hình thức man rợ, chỉ có 3 người sống sót.

Tại Campuchia, họ đã tiến hành cuộc diệt chủng dân tộc mình với quy mô sâu rộng, hậu quả làm khoảng 2 triệu người chết.

Để ngăn chặn chiến tranh, Đảng, Nhà nước ta đã sử dụng tất cả các kênh để tiếp xúc, đối thoại với Khmer Đỏ và các bên liên quan, nhưng không thành công bởi họ đã tuyên bố ngạo mạn: ở đâu có cây thốt nốt, ở đó là đất Campuchia (?).

Chúng ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu trên mỗi con người, mỗi tấc đất Việt Nam. Cái chúng ta cần là hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển.

Nhưng “dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”.

Chúng ta không những kiên quyết đánh trả quân xâm lược mà còn giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng, bởi cứu bạn cũng là tự cứu mình.

Ngày 7/1/1979, Phnom Pênh được giải phóng. 10 năm sau đó, chúng ta tiếp tục ở lại để giúp bạn xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội.


Đoàn Đại biểu tỉnh Prâyveng (vương quốc Campuchia) viếng hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia. Ảnh: Hữu Nghĩa

Những hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia vô cùng to lớn. Khi cầm súng lên đường ra trận, họ đang phơi phới tuổi thanh xuân. Nhưng đã có nhiều chiến sĩ hy sinh, mất một phần thân thể hoặc mang trong người di chứng suốt đời. Nhiều liệt sĩ đã được yên nghĩ trong lòng đất mẹ, nhưng vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được thi thể, vẫn còn người mất tích, theo đó là những giọt nước mắt lặng thầm của người cha, người mẹ mong ngóng tin con. Các thương binh, bệnh binh hàng ngày đối mặt với đớn đau, khó khăn trong sinh hoạt, lao động sản xuất.

Những hy sinh đó của quân tình nguyện Việt Nam nơi đất bạn không chỉ vì nghĩa vụ quốc tế cao cả mà lớn hơn là bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, cuộc sống bình yên của dân tộc. Và ngày 7/1/1979 được Campuchia gọi là Ngày Giải phóng, là một trong những ngày lễ lớn của xứ sở Angkor.

Khi Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang thăm Campuchia vào năm 1993, Quốc vương Norodom Sihanouk đã nói: Tôi chào mừng ông với tư cách là người đã dẫn đầu đoàn quân Nhà Phật sang cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng và hồi sinh dân tộc chúng tôi. Chỉ có Việt Nam mới đem lại sự cứu giúp vĩ đại cho nhân dân Campuchia. Chỉ có Việt Nam mới làm được điều đó.

Ngày 16/11, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) ra phán quyết chính quyền Khmer Đỏ đã phạm tội diệt chủng tại Campuchia và người Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1975 - 1979. Phán quyết đó được xem là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về tính chính nghĩa của Việt Nam khi đánh trả Khmer Đỏ và giúp đỡ nhân dân Campuchia giải phóng đất nước mình.

Vùng biên cương Tây - Nam Tổ quốc đã hồi sinh và phát triển. Đất nước Chùa Tháp tươi đẹp đã hồi sinh và phát triển.

40 năm đã qua đi, nhưng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam Tổ quốc, giúp bạn giải phóng Phnom Pênh để lại nhiều bài học lớn.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói khi trả lời báo chí, đó là khi đất nước đã có chủ quyền lãnh thổ, hòa bình, độc lập, tự chủ rồi thì hãy làm tất cả để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Đất nước phải mạnh, phải giàu mới tránh được chiến tranh.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn