Các cơ quan báo chí phải đổi mới để tồn tại và phát triển

Cập nhật ngày: 21/06/2024 05:18:04

ĐTO - Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) hằng năm là dịp để những người làm báo ôn lại truyền thống, tôn vinh những thành tích và đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam trong lịch sử phát triển của dân tộc.


Hội viên Chi hội Nhà báo Báo Đồng Tháp đi thực tế sáng tác tác phẩm báo chí tại huyện Hồng Ngự (Ảnh: Mỹ Xuyên)

Thuận lợi và thách thức đan xen

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cũng là dịp để nhắc nhở, thúc đẩy các cơ quan báo chí, các nhà báo, các tác giả cần tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong truyền thông, quảng bá hình ảnh địa phương, đất nước. Đồng thời khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, các cá nhân khác trong xã hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tôn trọng, động viên và đảm bảo môi trường làm việc cho các nhà báo ngày càng chuyên nghiệp và sáng tạo hơn.

Nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo Đảng địa phương hiện nay là phải tập trung thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính quyền và các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương; phản ánh những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội... vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giới thiệu, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; quảng bá hình ảnh của địa phương và của đất nước đến bạn bè trong và ngoài nước; đồng thời phê bình, đấu tranh với các biểu hiện, hành vi tiêu cực trong xã hội; thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới...

Thực tiễn cho thấy, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo Đảng địa phương đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới. Tuy nhiên, với sự phát triển và đổi mới không ngừng của xã hội, các cơ quan báo chí vẫn duy trì vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phản ánh việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; sự vận động và phát triển của xã hội; tuyên truyền, giới thiệu những giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần, lý tưởng cách mạng và cuộc sống của các tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội... đã và đang mang lại cho các cơ quan báo chí nhiều cơ hội để tiếp cận, chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng, rộng rãi hơn bao giờ hết. Từ đó, xã hội ngày càng nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, phản ánh, cảnh báo về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... Chính phủ, cơ quan chủ quản, các cơ quan chức năng đã và đang tạo ra nhiều chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan báo chí nhằm đảm bảo quyền lợi, duy trì và phát triển hoạt động của các cơ quan báo chí... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các cơ quan báo chí đã và đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ các chính sách đối với cơ chế tự chủ về tài chính; đối mặt với những hạn chế về doanh thu quảng cáo bị sụt giảm trên cả loại hình báo in và báo điện tử; các hoạt động sau mặt báo cũng bị giảm sút mạnh do các doanh nghiệp cắt giảm chi phí truyền thông, quảng cáo; sự cạnh tranh khốc liệt về nội dung thông tin và công chúng... Điều này khiến cho các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo Đảng địa phương phải cố gắng để giữ vững và mở rộng sự quan tâm từ phía công chúng. Mặt khác, các cơ quan báo Đảng địa phương phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực và độc lập trong công tác báo chí, do đó, thông tin của cơ quan báo Đảng địa phương thường chậm hơn so với các phương tiện truyền thông khác. Vấn đề bảo mật thông tin và đảm bảo an toàn thông tin mạng ngày càng trở nên phức tạp và quan trọng, đặc biệt là khi các cơ quan báo chí phải đối mặt với các mối đe dọa từ các hành động tấn công mạng...


Phóng viên Nguyễn Thị Kim Ngân (Báo Đồng Tháp) tham gia thảo luận tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng viết bài chuyên luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức

Đổi mới để tồn tại và phát triển

Với những thuận lợi và thách thức nêu trên, để kịp thời cạnh tranh với các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khác, các cơ quan báo chí phải giữ vững và nâng cao chất lượng nội dung, đảm bảo tính chính xác, khách quan và đúng với nguyên tắc báo chí; phản ánh chính sách của Đảng, Nhà nước một cách toàn diện, khách quan và sâu sắc; thúc đẩy sự sáng tạo trong sản xuất nội dung để thu hút độc giả. Để tiếp cận được thị hiếu của độc giả, các cơ quan báo chí cần phải thích nghi với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, đầu tư vào nền tảng truyền thông kỹ thuật số, cập nhật, nâng cao kỹ năng của đội ngũ phóng viên viết bài cho các nền tảng trực tuyến và di động.

Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chú ý đến việc bảo mật về an ninh mạng, tuân thủ các quy định pháp luật báo chí và chính sách của Nhà nước, đảm bảo hoạt động báo chí được thực hiện trong môi trường pháp lý an toàn và bền vững... Song song đó, để vượt qua các thách thức, các cơ quan báo chí cần khuyến khích đội ngũ phóng viên đổi mới và sáng tạo trong nội dung, phương thức sản xuất báo chí mới, như video, podcast, infographic... mang lại trải nghiệm đa dạng và phong phú cho độc giả.

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan báo chí cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên nắm rõ và hiểu biết sâu sắc về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên phản ánh chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng... Các phóng viên cần có khả năng phản ánh đa chiều các sự kiện và vấn đề, không chỉ từ góc nhìn của Đảng, Nhà nước mà còn từ nhiều góc độ khác nhau trong thực tiễn cuộc sống và sự vận động của xã hội. Các phóng viên cần phải đảm bảo tính chính xác, khách quan trong các bài viết, tránh tình trạng thiên vị hay phản ánh không chính xác.

Để thu hút và giữ chân độc giả, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần phát triển những hình thức viết bài sáng tạo và phong phú; áp dụng các kỹ thuật viết lách hiện đại, sử dụng hình ảnh, video, infographic và các công nghệ truyền thông kỹ thuật số để làm phong phú hơn nội dung tác phẩm báo chí. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, các phóng viên và biên tập viên cần phải nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ và nền tảng truyền thông số, biết cách sử dụng mạng xã hội để tương tác với độc giả và phản ánh những vấn đề nóng hổi của cuộc sống.

Trong mọi hoạt động báo chí, đội ngũ này phải giữ vững và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, không nên để áp lực chính trị hay kinh tế ảnh hưởng đến tính chính xác và độc lập trong công tác báo chí. Các cơ quan báo chí cần tạo cơ hội cho độc giả tham gia góp ý, phản hồi và thảo luận nội dung bài viết và chất lượng tờ báo; thường xuyên tương tác trên các nền tảng truyền thông xã hội và website của tờ báo để tăng cường mối quan hệ với độc giả...

Đặc biệt, để tờ báo Đảng địa phương phát triển bền vững và hiệu quả, đòi hỏi Ban Biên tập, phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí phải có tinh thần nhiệt huyết với nghề, phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Muốn làm được điều này, từng thành viên trong Ban Biên tập, phóng viên, biên tập viên phải có kiến thức chuyên môn vững về báo chí và truyền thông; có khả năng tổ chức, lên kế hoạch và điều phối hoạt động của cơ quan báo chí hiệu quả; có sự sáng tạo và linh hoạt trong sản xuất nội dung... Tất cả các thành viên trong Ban Biên tập, phóng viên, biên tập viên cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và pháp luật báo chí, đảm bảo tính chính xác, khách quan và công bằng trong phản ánh sự kiện. Đối với phóng viên phải thích ứng với các xu hướng mới trong ngành báo chí và truyền thông; có kỹ năng viết sắc bén, khả năng biên tập chuyên nghiệp để sản xuất nội dung báo chí chất lượng, thu hút độc giả.

Minh Phú

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn