Đi tìm sự vĩ đại trong cuộc sống
Cập nhật ngày: 01/04/2025 10:46:04

ĐTO - Từ lâu lắm rồi, lãnh đạo của khá nhiều quốc gia đã từng mong muốn đất nước của mình hùng cường và vĩ đại. Gần đây, một số lãnh đạo nhà nước (đảng phái) tuyên bố sẽ làm cho đất nước của họ “vĩ đại trở lại” hay cường thịnh. Những phát ngôn ấy đã đáp ứng được khát vọng của đại đa số người dân nên giành được sự ủng hộ trong các cuộc tranh cử hoặc đại hội. Nhưng, sự vĩ đại của quốc gia thật sự là gì, nhất là có đem đến lợi ích cho người dân hay không thì rất khó trả lời. Do vậy, chúng ta dành thời gian để “đi tìm sự vĩ đại” là việc rất cần làm.
Vĩ đại (trong tiếng Anh: Great) được hiểu là rất lớn lao, có tầm cỡ và giá trị, đáng khâm phục. Khái niệm này đề cập đến sự nghiệp vĩ đại, chiến thắng vĩ đại, phát minh vĩ đại, những con người vĩ đại... Trái với vĩ đại là bình thường. Bình thường là không có gì khác thường và đặc biệt. Dù vậy, đối với nhiều người, sống một cuộc đời bình thường được xem là một đặc ân của tạo hóa. Nó là niềm hạnh phúc vô bờ. Trong thực tế, việc tìm kiếm sự vĩ đại không phải luôn mang đến điều tốt đẹp, đôi khi lại gặp rắc rối, đảo lộn, thậm chí tàn phá lớn. Thời gian qua, nhiều lãnh đạo quốc gia đã thúc đẩy cuộc đua vì sự “vĩ đại”. Từ nửa vòng trái đất đối với Việt Nam, ông Donald Trump đã giành được chiến thắng vang vội trong cuộc bầu cử Tổng thống bởi khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (viết tắt tiếng Anh: MAGA - Make America Great Again). Tương tự như vậy, đất nước láng giềng Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã và đang thúc đẩy “Phục hưng Trung Quốc”. Thật ra, nhiều năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khuyến khích giới trẻ Việt Nam nên nỗ lực học tập để “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Trong giai đoạn hiện nay, việc tìm kiếm sự vĩ đại với nhiều nội dung vừa mang tính truyền thống vừa có những nhân tố mới. Nổi bật nhất là sự “lao vào” dòng thác của khoa học - công nghệ với sự phát triển kỳ diệu của trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence), số hóa, internet... không chỉ để hưng thịnh trái đất này, mà còn chinh phục vũ trụ. Mặt trận kinh tế vẫn giữ vị trí hàng đầu và có tính quyết định sức mạnh của quốc gia; thị trường luôn là “chiến trường” dưới những hình thức cũ và mới. Cũng giống như thời kỳ đầu tìm “vùng đất mới”, nỗi thèm khát tài nguyên, đất hiếm tiếp tục thúc đẩy các cuộc xâm chiếm, mua bán hoặc dưới danh nghĩa hợp tác “đôi bên cùng có lợi”, “hợp tác cùng thắng” (win - win cooperations).
Và để đạt được sự “vĩ đại” đối với các nội dung nói trên, những nhà cầm quyền sử dụng quyền lực áp đặt lên đối tượng và cả với đối tác. Nhìn chung, việc sử dụng quyền lực này có 2 cách chính: “Quyền lực cứng” và “Quyền lực mềm”.
Mặc dù có thể bị thiệt, việc hợp tác cùng khai thác trong các lĩnh vực được mỗi quốc gia thừa nhận trong văn bản luật và người dân đồng thuận. Tuy nhiên, một vài quốc gia vẫn “chứng nào tật nấy” trong việc sử dụng vũ lực, gây chiến để thôn tính lãnh thổ nước khác. Lịch sử của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I, Chiến tranh thế giới lần thứ II và nhiều cuộc chiến giữa những quốc gia với nhau cho thấy, chỉ vì để phân chia lãnh thổ hoặc tham vọng bành trướng địa giới.
Hiện nay, các cuộc chiến đang diễn ra cũng không ngoại lệ. Trong đó, mạng sống con người như cỏ rác và những công trình thành đống tro tàn. Vĩ đại như thế sao! Trái với điều nói trên, cũng tìm kiếm sự “vĩ đại” cho đất nước, lãnh đạo một số quốc gia khuyến khích người dân phấn đấu thực hiện tiêu chí Hạnh phúc. Tiêu chí Hạnh phúc bao gồm GDP bình quân đầu người, phúc lợi xã hội, tuổi thọ khỏe mạnh, sự tự do, hào phóng và nhận thức về vấn đề tham nhũng. Chính phủ và người dân những nước này đã nỗ lực lớn để đạt các tiêu chí ấy. Phần Lan là nước đứng đầu danh sách trong 143 nước và vùng lãnh thổ được xếp hạng và là năm thứ 8 liên tiếp. Tại châu Á, Singapore thuộc tóp đầu và lần lượt là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đánh giá này, Việt Nam tăng 8 bậc từ hàng 54 (năm 2023) lên 46. Đây là kết quả của nhiều năm với đường lối, chính sách phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội.
Thật ra, từ trước đến nay, Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà cụ thể là “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Hiện nay, lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy cả dân tộc vươn mình để có thể hoàn thành được “Ham muốn tột bậc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vậy, đây là điều bình thường hay vĩ đại!
Dù sinh tồn ở những lãnh thổ khác nhau, con người đều có chung những khát vọng về cuộc sống hòa bình, tự do, dân chủ, thịnh vượng và hạnh phúc. Và tùy theo hoàn cảnh tự nhiên - xã hội, con người có nguyện vọng lớn - nhỏ khác nhau, thúc đẩy cuộc sống trở nên đa dạng với các cung bậc và sự thăng trầm. Nguyện vọng và khát vọng của con người được thể hiện qua hoạt động hàng ngày vươn tới những điều cao cả, tốt đẹp hơn.
DÂN BIỆN