Thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị:

Đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, phục vụ nhiệm vụ chính trị có hiệu quả

Cập nhật ngày: 18/04/2018 09:56:26

ĐTO - Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới (gọi tắt là Nghị quyết số 23), Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành Chương trình hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 23 với 3 nhóm mục tiêu, 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới.


Tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (huyện Tân Hồng)

BTV Tỉnh ủy quan tâm, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tham gia nhiều chương trình cập nhật kiến thức; hội nghị quán triệt nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm định hướng chính trị trong sáng tác. Đặc biệt là thực hiện kế hoạch định kỳ giao lưu, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và văn nghệ sĩ vào năm 2017 và 2018, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, tích cực sáng tạo, tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà. Đồng thời, lãnh đạo Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh triển khai kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các hội viên; định hướng chính trị trong sáng tác, thực hiện đúng quy chế hoạt động, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng phát huy dân chủ. Thực hiện quyền tự do sáng tác, tạo điều kiện thuận lợi để các tác giả phát huy tài năng, tính độc lập, phong cách và dấu ấn cá nhân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Công tác xã hội hóa cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật được thực hiện linh hoạt, thường xuyên tập hợp, quy tụ các văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có sức cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực lao động. Tỉnh cũng có đầu tư kinh phí, xây dựng các thiết chế văn hóa cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của quần chúng, nhất là phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: triển khai xây dựng kế hoạch sưu tầm, phục hồi Nhạc lễ Nam bộ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc “Hò Đồng Tháp” cũng như xây dựng, tôn tạo các công trình nghệ thuật tiêu biểu gồm: tượng đài chi bộ đầu tiên Phong Hòa (huyện Lai Vung), Bia Chiến thắng Thanh Mỹ Tháp Mười (huyện Tháp Mười), tôn tạo tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (huyện Tân Hồng)... gắn với phát triển du lịch.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực làm cơ sở phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, BTV Tỉnh ủy luôn coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý văn học nghệ thuật, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch cán bộ quản lý ngành theo từng giai đoạn; bổ sung, kiện toàn lực lượng lãnh đạo sở, các phòng chuyên môn, đào tạo nguồn cán bộ kế cận; tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện công tác đúng chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ được chú trọng, trong đó có lực lượng tác giả, đạo diễn, biên đạo, nghệ sĩ, họa sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên.

 Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ 3 - 4 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa cơ sở, thu hút khoảng 200 - 300 học viên. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức ít nhất 1 trại sáng tác hoặc lớp bồi dưỡng theo chuyên ngành tại địa phương, nhiều hội viên văn học nghệ thuật được tham gia các trại, lớp do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các chuyên ngành Trung ương tổ chức.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành văn hóa, văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh được Trường Đại học Đồng Tháp đào tạo bổ sung, nhiều thế hệ sinh viên thuộc chuyên ngành nghệ thuật như: âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa, du lịch khi ra trường đáp ứng nhu cầu công tác trong tình hình mới.

Việc phát hiện người có năng khiếu, sở trường có thể bổ sung vào lực lượng văn nghệ sĩ được thực hiện thông qua các lớp bồi dưỡng sáng tác cho đối tượng mới tham gia và yêu thích sáng tác, trong đó xuất hiện nhiều tác giả trẻ có triển vọng là giáo viên, học sinh, sinh viên.

Tỉnh cũng có những chính sách động viên, ưu đãi, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có quá trình cống hiến tham gia sáng tác, phổ biến tác phẩm góp phần làm phong phú cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Theo BTV Tỉnh ủy, qua thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị cho thấy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội được nâng lên. Việc thu hút, quy tụ đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, phục vụ các nhiệm vụ chính trị có nhiều cải thiện về chất lượng và số lượng. Đội ngũ văn nghệ sĩ được phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tăng dần và trẻ hóa, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề. Công tác đầu tư cho văn học, nghệ thuật được quan tâm thực hiện.

Các hoạt động văn học, nghệ thuật nâng dần tính chuyên nghiệp, ghi nhận bước phát triển mới, số lượng tác phẩm đạt giải thưởng khu vực, Quốc gia ngày càng tăng. Hoạt động liên kết với các ngành, địa phương trong tỉnh, các Hội khu vực và chuyên ngành Trung ương được đẩy mạnh. Phương thức phát hành, trình diễn, quảng bá tác phẩm dần được đổi mới. Phong trào quần chúng sáng tạo và tận hưởng văn học, nghệ thuật phát triển ngày càng sâu rộng.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn