Giảm biên chế giai đoạn 2021 - 2025 gặp khó

Cập nhật ngày: 10/06/2024 18:47:10

Đối với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2 (2021 - 2025), nhiều bộ ngành, địa phương đang gặp khó khăn.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp

Ngày 10/6, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống, tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 đã chủ trì phiên làm việc về vấn đề này.

Một trong các mục tiêu lớn sau khi sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập được các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra là "bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Theo đó, giai đoạn 1 (2015 - 2021), mục tiêu đề ra là đến năm 2021, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.

Về tổng thể, các bộ, cơ quan cơ bản đạt chỉ tiêu. Tỷ lệ các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục nghề nghiệp, khoa học và công nghệ giảm mạnh, đều vượt xa so với mục tiêu đề ra. Theo đó, trong lĩnh vực y tế giảm 38,68%; lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giảm 21,75%; lĩnh vực khoa học và công nghệ giảm 26,47%.

Đối với mục tiêu của giai đoạn 2 (2021 - 2025), một số bộ đã đạt mục tiêu đề ra (như Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện vượt chỉ tiêu, giảm được 16% trong giai đoạn 2015 - 2021 và 10% giai đoạn 2021 - 2023, dự kiến trong năm 2024 và 2025 sẽ giảm tiếp 3 đơn vị); Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giảm 4/42 đơn vị, tương ứng gần 10%, đặc biệt, giảm mạnh được 279/471 đơn vị cấp phòng (đạt 59%)... Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn.


Quang cảnh phiên làm việc

Tổng kết các ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế: hầu hết các bộ chậm ban hành văn bản thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) và theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; một số văn bản đã ban hành lâu nhưng chậm rà soát, sửa đổi, bổ sung; kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của một số bộ chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tự chủ còn nhiều khó khăn, kết quả đạt được hạn chế, quan điểm đánh giá về vấn đề tự chủ còn khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các bộ đề cao trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với ngành lĩnh vực; quản lý, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực mình trên cả nước cũng như bộ trực tiếp quản lý. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng đề án, kế hoạch để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị (về việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW), phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; có đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn