Bộ trưởng Bộ Công Thương:

Gian lận thương mại sẽ bị đẩy lùi một cách căn bản hơn

Cập nhật ngày: 01/11/2017 16:37:36

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã làm rõ và thể hiện quyết tâm chấn chỉnh tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường trong thời gian qua.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trong sáng 1/11. Ảnh: Như Ý
(HNMO)

Bước đầu chuyển biến tích cực

Trước nhiều câu hỏi về tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường trong thời gian qua, như thuốc lá lậu, phân bón giả, hay vụ bê bối xuất xứ lụa Khaisilk, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả đã được Chính phủ hết sức quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) được Chính phủ thành lập cũng để nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, phối hợp công tác giữa các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng có liên quan trong cả nước để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp trong nước cũng như để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

“Mặc dù, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng cần khách quan đánh giá là công tác này thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Theo thống kê cho thấy: Năm 2016: Lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 104 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 550 tỷ đồng, tịch thu lượng hàng hóa vi phạm với giá trị gần 400 tỷ đồng. Chín tháng đầu năm 2017: Kiểm tra trên 131 nghìn vụ; phát hiện, xử lý hơn 73 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 415 tỷ đồng.

Với nhiệm vụ được giao theo phân công của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là "Phối hợp các cơ quan chức năng các cấp thực thi công tác QLTT trong thị trường nội địa, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo lực lượng QLTT thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước", bên cạnh việc tiếp tục tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Công Thương đã nghiên cứu hướng đổi mới để tập trung triển khai theo ba hướng lớn là:

Bên cạnh các kế hoạch rà soát kiểm tra thường xuyên, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng QLTT các cấp xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch đi vào chiều sâu, tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm và địa bàn trọng điểm. Theo đó, nhiều chương trình, kế hoạch chuyên đề về thuốc lá, rượu, gia súc gia cầm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; an toàn thực phẩm, kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại... đã được xây dựng và tổ chức triển khai đạt kết quả tích cực trong thời gian qua.

Qua đó, nhiều mặt hàng đã được tập trung kiểm tra, xử lý tích cực như:
Về thuốc lá điếu nhập lậu: Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai nhiều phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu; chú trọng kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các điểm kinh doanh thuốc lá, các dịch vụ có kinh doanh thuốc lá như nhà hàng, quán ăn uống, bar, vũ trường…

Bước đầu góp phần ngăn chặn, làm giảm đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc bán thuốc lá ngoại nhập lậu không còn công khai như trước. Riêng chín tháng năm 2017, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 6.567 lượt, phát hiện xử lý 3.630 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng; Tịch thu thu giữ hơn 1,4 triệu bao thuốc lá, chuyển cho cơ quan điều tra 40 vụ, thu giữ 17 xe ô tô, 321 xe máy, 13 phương tiện khác.

Về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BCT ngày 1/3/2017 thực hiện Kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017. Lực lượng QLTT cả nước đã đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời rà soát, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón.

Riêng chín tháng năm 2017, lực lượng QLTT đã kiểm tra hơn 2.537 vụ (bằng 187% so với cùng kỳ năm trước), xử lý 1.091 vụ (bằng 273% so với cùng kỳ năm trước), tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng. Tịch thu, tiêu huỷ tang vật trị giá gần 208 triệu đồng, 2.241 kg, 7.128 bao, 40 chai và 161 gói phân bón các loại; tịch thu, tiêu huỷ 48.236 kg thuốc bảo vệ thực vật (bằng 126,8 % so với cùng kỳ năm trước).

Bộ Công Thương cũng tăng cường công tác giáo dục gắn với kiểm tra, xử lý cán bộ trong lực lượng QLTT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ. Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức QLTT và Chỉ thị số 23/CT-BCT về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLTT.

Theo đó, năm 2014 đã có 28 trường hợp cán bộ QLTT đã bị xem xét xử lý; Năm 2015 có 21 trường hợp; Năm 2016 có 16 trường hợp, trong đó có công chức là Lãnh đạo Chi cục QLTT, là Đội trưởng Đội QLTT; cá biệt có trường hợp bị khởi tố hình sự và phạt án tù như ở Chi cục QLTT thành phố Hải Phòng; Trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có bảy trường hợp bị xử lý, trong đó có hai trường hợp bị cách chức (một đội trưởng, một phó đội trưởng), hai trường hợp bị hạ bậc lương, ba trường hợp bị khiển trách...

Cần thêm nhiều nỗ lực

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận thực tế là có nhiều thời gian “vắng bóng” của lực lượng chuyên ngành, hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu, có sự đứt khúc trong phối hợp khi quản lý thị trường hoạt động tại địa phương nên sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao. Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cho rằng: Để xử lý một cách căn bản tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả chắc chắn cần tiếp tục thực hiện với nhiều nỗ lực và sự quyết tâm cao, cùng với đó là các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của xã hội. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn cả về lực lượng và phương tiện, nhưng với những kết quả nền tảng quan trọng chúng ta đã đạt được trong thời gian qua và sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục, đồng bộ của Chính phủ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng tình trạng này sẽ từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi một cách căn bản hơn trong thời gian tới đây, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như bảo vệ tốt hơn lợi ích của người tiêu dùng trong nước”.

Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành vụ lụa Khaisilk

Trên thực tế, ngành Công thương đã thể hiện quyết tâm chấn chỉnh công tác QLTT khi ngày 31/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định số 4318/QĐ-BCT lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan: Công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị UBND TP.Hà Nội, UBND TP.Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.

Trước đó, tại cuộc họp với các đơn vị nghiệp vụ có trách nhiệm trong Bộ Công thương ngày 30/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phê bình Cục QLTT, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng vì đã thiếu phối hợp với các cơ quan liên quan, chưa kịp thời thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương liên quan tới điều tra, làm rõ sai phạm của Khaisilk bán hàng nước ngoài gắn mác hàng "Made in Việt Nam".

Năm 2018, giải quyết cơ bản 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ

Trong buổi chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng giải trình về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương. Theo ông Trần Tuấn Anh, việc xử lý 12 dự án rất phức tạp vì trải qua nhiều thời kỳ và giai đoạn khác nhau, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cho nên, cần phải đánh giá đồng bộ các vấn đề tồn tại, vướng mắc và tìm cách giải quyết. “Quan trọng là từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để ngăn chặn, không phát sinh dự án thua lỗ mới”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, trong năm 2017, sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị trong việc đánh giá, rà soát và biện pháp cụ thể từng dự án. Năm 2018, tập trung giải quyết cơ bản. Đến năm 2020 giải quyết triệt để 12 đại dự án thua lỗ.

XUÂN BÁCH (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn