Khởi đầu mới hứa hẹn sự phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 26/01/2017 08:05:03

Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An - 3 địa phương chính thức triển khai thực hiện Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười” vào những ngày cuối tháng 9/2016. Đây được xem là khởi đầu mới hứa hẹn cho sự phát triển bền vững của khu vực này trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế...

Có diện tích tự nhiên khoảng 697.000ha, vùng Đồng Tháp Mười chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng Tháp Mười trải rộng trên 19 huyện, thị, thành và 7 xã thuộc 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Trong thập niên 1980, 3 tỉnh từng đẩy mạnh khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Từ đó đưa vùng đất phèn, hoang hóa thành vựa lúa của khu vực ĐBSCL. Nơi đây cũng hình thành nhiều vùng trái cây đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước như xoài, nhãn, khóm... Ngoài ra, phải kể đến vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện tại, Đồng Tháp Mười là khu vực sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất lúa gạo, thủy sản và du lịch.

Với nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, cả 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An nhận thấy tầm quan trọng của nhu cầu liên kết. Bởi lẽ cả 3 địa phương đều có chung những cơ hội và điểm mạnh, đồng thời cùng chung những điểm yếu và thách thức.

Trong đó, thách thức toàn cầu là vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế. Đối với thách thức khu vực thì việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ trở thành vấn đề cấp bách. Thách thức địa bàn chính là vấn đề chưa quản lý tốt việc khai thác tài nguyên (rừng tràm, cát sông, tài nguyên đất, tài nguyên nước). Bên cạnh đó, chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản bị đứt đoạn, thiếu thương hiệu có uy tín trên trường quốc tế, ngay cả mặt hàng chủ lực là gạo. Quản lý nhà nước chủ yếu theo ranh giới hành chính, thiếu liên kết và phối hợp giữa các địa phương, chưa quan tâm liên kết các tiểu vùng có cùng các điều kiện về sản xuất, về mô hình phát triển.

Từ những thách thức trên đã tác động, gây ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp trong vùng Đồng Tháp Mười (cụ thể như thiếu hụt nguồn nước, giảm lượng phù sa, khô hạn, phèn hóa, xâm nhập mặn, thị trường...). Qua đó cho thấy, sự liên kết hợp tác trong phát triển nói chung, nông nghiệp nói riêng ở ĐBSCL, trong đó có tiểu vùng Đồng Tháp Mười tất yếu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Do tỉnh Đồng Tháp đề xuất thực hiện, 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An kiến nghị Chính phủ cho phép 3 địa phương chủ động lập Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định cho phép thực hiện nhằm đẩy mạnh sự liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng và phát triển Tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành vùng trọng điểm Quốc gia về sản xuất nông nghiệp. Có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia và xuất khẩu nông, thủy sản; nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng. Đề án này cũng nhằm tạo sự thống nhất trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, quản lý tài nguyên bền vững vùng Đồng Tháp Mười trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, khai thác hợp lý tiềm năng và thế mạnh của Tiểu vùng.

Nằm trong khu vực liên kết phát triển vùng ĐBSCL, vùng Đồng Tháp Mười chưa có cơ chế liên kết để phát huy đặc thù thế mạnh của vùng. Từ việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười”, các địa phương đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng, cũng như tầm nhìn phát triển trong thời gian tới. Nội dung liên kết xoay quanh 3 lĩnh vực liên kết và 4 hoạt động liên kết. 3 lĩnh vực liên kết gồm: Phát huy chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực; Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi liên vùng, quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. 4 hoạt động liên kết: Quy hoạch, kế hoạch; Phát triển sản xuất; Đầu tư kết cấu hạ tầng; Thiết lập hệ thống thông tin Tiểu vùng.

3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An cũng đã thống nhất nội dung trong thực hiện liên kết gồm: thống nhất về khung liên kết để triển khai các chi tiết, phần việc cụ thể; xác định không gian liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, 3 tỉnh sẽ chọn ra các lĩnh vực, nội dung liên kết, không ảnh hưởng đến hoạt động điều hành phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh.

Sự liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười đặt trong tổng thể mối liên kết Vùng của khu vực ĐBSCL. Gắn kết, đánh giá, phân tích mối quan hệ giữa Tiểu vùng và TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ. Thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2020, để phù hợp với giai đoạn triển khai theo Quyết định số 593/QĐ-TTg. Ngoài ra, 3 tỉnh cũng thống nhất xây dựng hệ thống giám sát đánh giá việc thực hiện những nội dung liên kết vùng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp địa phương.

Việc triển khai Đề án “Liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười” thành công sẽ tạo điều kiện để 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An phát triển. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy sự liên kết phát triển của toàn vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

“Về những yếu tố cần để liên kết giữa các tỉnh trong một vùng thành công, tôi cho rằng có 5 nguyên tắc cơ bản: liên kết phải xuất phát từ yêu cầu; liên kết vùng phải tạo ra giá trị gia tăng và các bên liên quan tham gia cùng có lợi; giải pháp của liên kết phải phù hợp với quy luật tự nhiên, kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tại địa bàn; liên kết phải được thực hiện từ cơ sở, bởi chính cơ sở là nơi sâu sát với sự biến đổi của môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội, nơi phát sinh diễn ra các mâu thuẫn cần giải quyết; liên kết phải thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư, các nhà khoa học, các doanh nghiệp theo tinh thần đối tác công tư (PPP).

Về những phối hợp cần thiết giữa các địa phương tham gia liên kết, trước nhất cần phối hợp trong việc khai thác và chia sẻ các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từ đây, chúng ta phải phối hợp trong việc lập và phê duyệt các quy hoạch tổng thể, các quy hoạch ngành và địa phương, đặc biệt trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng. Tiếp theo là phối hợp trong việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư. Kế đến là phối hợp trong phát triển nguồn nhân lực. Sau cùng là phối hợp trong các chính sách về an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bởi suy cho cùng, các tỉnh liên kết phối hợp với nhau vẫn phải nhớ tới người dân”.

(Phát biểu của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước 60-B, “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long”)

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn