KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2015)

Kỷ niệm không quên

Cập nhật ngày: 29/04/2017 05:57:24

Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), ông Nguyễn Bình Dân - nguyên Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) Đồng Tháp có bài viết về một số kỷ niệm chiến đấu có nhiều ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.


Nhân dân thị xã Cao Lãnh mừng chiến thắng trong ngày 2/5/1975. (Ảnh tư liệu)

Trận bắn 4 quả B40 vào khu nhà Cảnh sát Tài nguyên ngụy, diệt 24 tên

Sau các cao điểm tấn công mùa xuân năm 1968 vào thị xã Cao Lãnh, mặc dù ta có giành một số thắng lợi, nhưng lực lượng của ta cũng bị hao tổn rất nhiều, nên sức tấn công của ta ngày một yếu dần. Địch được tăng cường thêm lực lượng, đẩy mạnh hành quân lấn chiếm các vùng ven mà trước đó quân ta đã giải phóng, đẩy lực lượng ta ra xa dần, vùng giải phóng của ta bị thu hẹp lại. Trước tình hình đó, khoảng cuối tháng 5/1968, tôi (lúc này là Trung đội trưởng) cùng 2 chiến sĩ được cấp trên phân công dùng súng B40 đi từ xã Nhị Mỹ qua xã An Bình, Mỹ Trà, tiếp cận khu nhà Cảnh sát Tài nguyên ngụy cách khoảng 40m vào lúc nửa đêm. Thấy ở đầu dãy nhà có một tên lính gác đang đi tới đi lui, khi chuẩn bị xong, tôi nâng súng lên bắn phát đầu tiên vào đầu dãy nhà phía tay trái, sau đó tôi tiếp tục bắn phát thứ 2, thứ 3 và thứ 4 liên tục, rãi đều theo dãy nhà bọn cảnh sát ngụy đang ở. Bị tấn công bất ngờ, địch không kịp trở tay, chúng tôi nhanh chóng rút ra khỏi trận địa chừng 200 - 300m, địch mới bắn mấy quả pháo sáng vu vơ, lực lượng ta rút về vùng giải phóng an toàn. Mấy ngày sau, tôi được anh Chín Tâm, Chính trị viên Thị đội báo lại kết quả là 24 tên cảnh sát ngụy chết trận này.

Đây là một trận đánh thọc sâu trong nội ô thị xã Cao Lãnh, làm cho địch hết sức hoang mang và chúng thấy rằng không có nơi nào trong thị xã này là an toàn cả, buộc chúng phải bố trí lực lượng bảo vệ đầu não ở thị xã, hạn chế bung ra lấn chiếm vùng nông thôn giải phóng.

Với chiến công từ trận đánh này tôi, được cấp trên tặng Danh hiệu Dũng sĩ vẻ vang cấp ưu tú.

Bắn rơi 2 chiếc máy bay “cá nóc” của địch tại xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh

Khoảng tháng 7/1969, lúc 2 giờ chiều, trời đang mưa, tôi cùng đồng chí Bé đi cặp sông Rạch Miễu, khu vườn phía ngoài vàm, gần đồn Cái Bát để nghiên cứu xem có thể xây dựng nơi trú quân cho đơn vị khi cần thiết. Khi chúng tôi tới nơi thì xuất hiện một tốp máy bay (một chiếc chỉ huy, 2 chiếc cá lẹp, 2 chiếc cá nóc) quần đảo và bắn xối xả vào khu vực của anh Chín Tâm ở, cách chỗ tôi khoảng 1.000m. Sau đó, chúng đổ quân xuống khu vực này. Quyết định phải chi viện cho đồng đội, tôi lấy khẩu súng AK của đồng chí Bé, ra ngoài cánh đồng trống bắn từng phát một lên chiếc máy bay chỉ huy. Một lúc sau, tôi thấy 2 chiếc cá nóc bay vòng vào hướng tôi, tôi liền chạy vào khu vườn nhà ông chủ Trọng. Nhìn qua khoảng trống của các tán cây, thấy chúng bay thấp ngang qua đầu, tôi liền đưa súng lên bắn chiếc máy bay đầu, nó bắn lại tôi và bay qua. Kế đến, chiếc thứ 2 bay tới, tôi đưa súng lên bắn một loạt đạn và nó cũng bắn trả lại tôi rồi bay tới điểm đổ quân tại khu vực của anh Chín Tâm đang ở. Lúc này, đồng chí Bé khuyên tôi: “Thôi đừng bắn nó nữa vì nơi đây ta không có công sự, nguy hiểm lắm”. Tôi nói: “Bé cứ ở lại đây, không có sao đâu”. Tôi thay băng đạn mới, tiếp tục ra cánh đồng bắn từng phát một lên chiếc máy bay chỉ huy. Một lúc sau, thấy 2 chiếc cá nóc bay vòng về phía tôi như lúc đầu, tôi chủ động chạy nhanh ra mé sông, núp vào gốc xoài lớn. Lúc này, tôi để chiếc đầu bay qua, đưa súng lên bắn nửa băng đạn đón đầu chiếc sau. Chiếc máy bay bị trúng đạn nhưng vẫn cố bắn trả lại. Sau đó, 2 chiếc cá lẹp lao xuống bắn tiếp 2 loạt đạn nữa rồi bay đi. Chiếc máy bay bị tôi bắn trúng rơi xuống dưới sông gần khu vực chúng đổ quân. Sau đó, chúng đưa một máy bay khác đến cẩu chiếc máy bay bị bắn rơi bay về hướng thị xã Cao Lãnh. Ta không nắm được đã tiêu diệt được mấy tên địch.

Khoảng tháng 10/1969, nước lũ lên cao, đơn vị của tôi phối hợp với đơn vị bạn tổ chức phòng ngự đánh địch càn quét vào vùng giải phóng khu vực Rạch Miễu, vườn chanh, máy bay địch ném bom vào trận địa nhiều lần. Đến khoảng 1-2 giờ chiều, đơn vị bạn báo là bị hư một số công sự nên rút khỏi trận địa, vậy là đơn vị chúng tôi bị “hở sườn” nên tôi cho anh em rút đi trước, còn lại tôi và 2 chiến sĩ ở lại. Ba anh em rời công sự qua bên kia sông thì xuất hiện 5 chiếc máy bay (1 chiếc chỉ huy, 2 chiếc cá lẹp, 2 chiếc cá nóc) quần đảo trên đầu. Tôi cho 2 chiến sỹ xuống mé nước lấy cỏ ngụy trang lại kỹ lưỡng, còn mình ngồi trên bờ, núp trong lùm cây tương đối kín đáo tại nhà ông Tư Thành với tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó, 2 chiếc cá nóc tới quần đảo xung quanh nơi chúng tôi đang núp, có một chiếc ở ngay trên đầu tôi cách mặt đất khoảng 7m, nó bắn một phát đạn xuống. Tức thì, tôi đứng thẳng lên, đưa súng vào lườn nó bắn nửa băng đạn, chiếc cá nóc trúng đạn chao đi, tôi tiếp tục tư thế chuẩn bị bắn chiếc còn lại, nhưng nó bay theo chiếc bị trúng đạn. Lúc này, 2 chiến sĩ đang núp dưới mé nước la lên “máy bay đã trúng đạn rồi”. Sau đó, 2 chiếc cá lẹp còn lại lao xuống bắn anh em chúng tôi 2 loạt đạn rồi bay đến quần đảo tại khu vực chiếc máy bay bị bắn rơi, còn anh em chúng tôi rút đi an toàn. Vài ngày sau, được tin quần chúng cho biết một tên đại úy Mỹ bị bắn chết trên chiếc máy bay này.

Theo tôi, lúc đó địch dùng hình thức đánh bằng 3 loại máy bay này đã làm cho lực lượng ta tiêu hao nhiều mà chưa có ai bắn nó vì sợ bị lộ đội hình, sợ bị chúng phát hiện nơi ở,... Từ khi máy bay chúng bị ta bắn rơi thì sau đó chúng nó sợ, không dám liều lĩnh nữa, dần dần trong lực lượng ta có nhiều người bắn làm cho nó sợ, không dám bay xuống thấp và hình thức chúng đánh ta kiểu này cũng bị kém hiệu quả.

Sau khi bắn rơi 2 chiếc máy bay cá nóc, tôi được cấp trên tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3.

Chỉ huy một cánh quân nhỏ của địa phương vào tiếp quản thị xã Cao Lãnh trong đêm 30/4/1975

Cánh quân của tôi (lúc này tôi là Bí thư Thị đoàn) có khoảng trên 20 người, cán bộ gồm các đồng chí: Hoàng Sơn, Phương Hồng, Ba Lạc,... Chiều 30/4/1975, trên đường hành quân từ xã Nhị Mỹ, qua các xã Thiện Mỹ, Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, tôi được tin bọn lính ở đồn Vườn Ông Huề đã rút chạy, gom về đồn Huế Ụt. Khoảng 20 giờ, chúng tôi tiếp cận, bao vây đồn Huế Ụt và trụ sở tề xã Mỹ Ngãi, tôi dùng loa tay tự xưng tên tôi rồi kêu gọi xã trưởng Ba đầu hàng, bàn giao chính quyền lại cho quân giải phóng. Trong đồn và trụ sở tề xã êm ru, không bắn ta và cũng không lên tiếng trả lời. Tôi cứ tiếp tục kêu gọi nhiều lần như vậy, một lúc sau thì nghe tiếng xã trưởng Ba đồng ý đầu hàng và xin ta bảo đảm sinh mạng cho anh em binh sĩ, tôi đồng ý và bảo: “Ném trái sáng lên, tất cả binh lính kéo ra tay không, súng đạn để lại tại chỗ trong đồn”. Khi quân địch kéo ra hết, tôi phân công người quản lý, lực lượng ta tiến vào chiếm đồn Huế Ụt và trụ sở tề xã Mỹ Ngãi, tôi lấy máy PRC25 của địch trong đồn mang theo tiến vào khu vực chợ Mỹ Ngãi, cắt ngang Quốc lộ 30, tôi dùng máy PRC25 kêu gọi thiếu tá Quận trưởng Thành đầu hàng, bàn giao chính quyền lại cho quân giải phóng. Tôi gọi số 72 (là số của thiếu tá Thành): “Bảy mươi hai, đây Bình Dân”, tôi nói tiếp: “Chúng tôi là quân giải phóng, chúng tôi đã chiếm khu vực chợ Mỹ Ngãi, yêu cầu các ông đầu hàng và đến gặp chúng tôi để bàn giao chính quyền lại cho quân giải phóng”. Khi tôi gọi thì tất cả các máy của Chi khu êm ru, tôi cứ gọi lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần. Một lúc sau, thiếu tá Thành mới gọi lại và nói: “Tôi báo với ông, tôi đã nghe và nhận được nội dung ông gọi cho tôi, tôi hẹn 15 phút sau sẽ trả lời cho ông rõ”. Khoảng 15 phút sau, thiếu tá Thành gọi lại cho tôi hẹn 20 phút sau đến chợ Mỹ Ngãi để gặp tôi và cùng đi có trung tá Lưu - Tiểu khu phó, kiêm Tỉnh đoàn trưởng bảo an; trung tá Hữu, Hội đồng hàng tỉnh; trung tá Dung, Ty Cảnh sát và 1 trung tá nữa của Biệt khu 44. Tôi đồng ý và chờ đón tiếp đoàn của thiếu tá Thành tại chợ Mỹ Ngãi.

Lúc này tôi suy nghĩ, chỗ anh Chín Tâm có máy PRC25 theo dõi đài của Chi khu, nên tôi gọi liên hệ với anh Chín Tâm, Phó Bí thư Thị xã ủy, Chính trị viên Thị đội và anh Mười Cường, Tham mưu phó Tỉnh đội: “Chín Tâm, Mười Cường, đây Bình Dân” và cứ gọi nhiều lần như vậy, một lúc sau anh Chín Tâm lên máy nói: “Tôi Chín Tâm đây Bình Dân ơi, có gì nói đi”. Tôi báo cáo với anh Chín Tâm tình hình đó, anh Chín Tâm nói: “ Được rồi, anh sẽ đến”. Khoảng 20 giờ 30 phút, đoàn của thiếu tá Thành đến đủ mặt tại chợ Mỹ Ngãi như đã hẹn trước, cùng lúc đó bà con trong chợ như các ông Ba Giá, Bánh Tý, Tư Ấm,... lấy bàn, ghế ra để 2 bên ngồi. Thiếu tá Thành báo cáo, giới thiệu từng người cho tôi biết. Tôi tự xưng tên và nói: “Bây giờ hòa bình rồi, đừng để người Việt Nam mình đổ máu nữa! Các anh phải ra lệnh cho các cấp thuộc quyền không được nổ súng, phải giữ nguyên hiện trạng, không để hư hao, mất mát, giao nộp cho quân giải phóng,...”, các anh đồng ý và ra lệnh ngay. Tôi giao các anh chuẩn bị phương tiện và lực lượng để rước, hướng dẫn quân giải phóng vào tiếp quản các cơ sở chính quyền của tỉnh Kiến Phong. Khoảng 21 giờ 00, trung tá Lưu, trung tá Dung dùng 2 xe Jeep đưa anh Phương Hồng và lực lượng an ninh vũ trang tỉnh đến tiếp quản Tòa Hành chánh, Ty Cảnh sát, Ty Ngân khố và điều thêm 2 xe GMC chở lực lượng biệt động Thị xã, các anh Dương Hoàng Sơn, Bùi Hồng Việt đến Tòa Hành chánh và tiếp quản các mục tiêu khác.

Đến khoảng 22 giờ thì anh Chín Tâm đến Tòa Hành chánh tỉnh Kiến Phong tiếp tục triển khai lực lượng vào tiếp quản các cơ sở của địch trong thị xã một cách nhanh chóng và an toàn, không có một chút gì trở ngại.

Lực lượng ta tuy nhỏ bé nhưng mà táo bạo, bao vây đồn và trụ sở tề xã, buộc chúng phải đầu hàng; Chớp lấy thời cơ này, rồi dùng máy PRC25 của địch để kêu gọi Chi khu Cao Lãnh, Tiểu khu Kiến Phong, Biệt khu 44 đầu hàng; Tổ chức tiếp quản trọn vẹn thị xã Cao Lãnh và tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiếp quản toàn tỉnh Kiến Phong, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tôi tự rút ra một điều, để giành thắng lợi của một trận chiến đấu thì người chỉ huy phải có nhiều yếu tố, trong đó phải có 4 yếu tố chính là: Dũng cảm, táo bạo, khôn ngoan và biết chớp lấy thời cơ để quyết định trận chiến đấu.

Nguyễn Bình Dân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn