Lai Vung 30 năm - Một chặng đường phát triển

Cập nhật ngày: 19/08/2019 10:28:58

ĐTO - Sau 30 năm tái thành lập (19/8/1989 - 19/8/2019), với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay, huyện Lai Vung đã đạt được thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.


Một góc thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung. Ảnh tư liệu

Một thời gian khó

Theo Sơ thảo Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung, tên gọi Lai Vung đã có từ khá lâu và tồn tại qua những giai đoạn lịch sử. Sau ngày đất nước hòa bình, hai huyện Lai Vung và Lấp Vò được sáp nhập thành một huyện với tên gọi Lấp Vò. Năm 1981, huyện Lấp Vò được đổi tên thành Thạnh Hưng. Theo Quyết định 77/HĐBT ngày 27/6/1989 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Lai Vung chính thức được tái thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Thạnh Hưng và lễ công bố tái thành lập huyện Lai Vung tổ chức vào ngày 19/8/1989. Sau khi tái thành lập, huyện Lai Vung có 11 xã. Đến năm 1994, xã Hòa Long được chia thành hai đơn vị hành chính là xã Hòa Long và thị trấn Lai Vung.

Huyện Lai Vung tái thành lập vào thời điểm đất nước đang thực hiện đường lối đổi mới. Lúc đó, cùng với tình hình chung của tỉnh và cả nước, Lai Vung gặp khó khăn về nhiều mặt. Năm 1989, huyện có tỷ lệ hộ nghèo hơn 30%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 820kg lúa/năm. Là một người dân “cố cựu” ở địa phương, ông Nguyễn Phú Lộc (SN 1957) ngụ xã Long Hậu nhớ lại: “Khoảng năm 1989, bà con chủ yếu làm ruộng, cuộc sống còn nghèo, thiếu thốn lắm. Hệ thống giao thông nông thôn ở xã tôi đa số là đường đất, cầu ván, cầu khỉ nên việc lưu thông rất bất tiện. Lúc đó, điện sinh hoạt và nước sạch đã có nhưng chưa rộng khắp, số lượng người dân sử dụng còn ít”.

Cơ cấu kinh tế của Lai Vung chủ yếu là nông nghiệp nhưng năng lực, hiệu quả sản xuất thấp; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục không đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân...Trước tình hình đó, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp, Đảng bộ và nhân dân huyện Lai Vung đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, ổn định sản xuất, đời sống; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, thực hiện đường lối đổi mới, từng bước ổn định và phát triển.


Nhiều nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung có cuộc sống ngày càng ổn định từ chuyên canh quýt hồng. 
Ảnh: D.Chinh

Sức bật của “vương quốc” quýt hồng

Từ lợi thế đất đai màu mỡ, tình hình sản xuất nông nghiệp ở Lai Vung đạt nhiều kết quả nổi bật. Năm 2018, sản lượng lúa là 185 ngàn tấn; hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày 23 ngàn tấn và 132 ngàn tấn trái cây các loại. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Lai Vung đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; đã thành lập 9 hợp tác xã, 61 tổ hợp tác và 9 hội quán. Thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán đã tạo thêm điều kiện để các thành viên chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là hỗ trợ nhau trong sản xuất và kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.

Qua 30 năm tái thành lập, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Lai Vung có bước tiến dài. Đến nay, kinh tế của huyện cơ bản ổn định và phát triển khá. Đời sống nhân dân nâng lên đáng kể với mức thu nhập bình quân đầu người 33,5 triệu đồng/năm. Hộ dân có điều kiện kinh tế khá, giàu tăng lên; hộ nghèo giảm mạnh qua các năm. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác từ thiện xã hội được triển khai thực hiện thường xuyên, rộng khắp và có hiệu quả. Nhiều năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Hệ thống y tế được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân trong việc khám, điều trị bệnh ban đầu. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện gần 80%. Chất lượng giáo dục nâng lên, có nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia. Ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1957) ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long phấn khởi cho hay: “Từ các nguồn lực, địa phương thực hiện nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp giao thông nông thôn. Năng suất và sản lượng lúa tăng. Bà con cải tạo vườn tạp trồng cây có giá trị kinh tế cao. Giờ đây, hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... đã xây dựng. Cuộc sống người dân ngày càng cải thiện hơn”.

Nhờ chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nên nhiều người dân Lai Vung tích cực tham gia xây dựng nông mới. Chỉ tính trong năm 2018, toàn huyện huy động được gần 22 tỷ đồng, trong đó mạnh thường quân ủng hộ trên 9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 12,7 tỷ đồng và hơn 26.700 ngày công lao động. Từ đó, đã xây dựng 67 cây cầu; lót đan, trải nhựa trên 41km đường nông thôn; làm khoảng 39km đèn đường; hỗ trợ cất 118 căn nhà cho những gia đình gặp khó khăn về nhà ở. Đến nay, Lai Vung có 4/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Tân Thành, Long Thắng, Vĩnh Thới và Hòa Long), các xã còn lại đạt 13 - 16 tiêu chí. Thị trấn Lai Vung đang dần hoàn thiện những tiêu chí đô thị loại IV; các xã Tân Thành, Tân Dương và Phong Hòa phấn đấu đạt đô thị loại V.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn