Lấy ý kiến về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Cập nhật ngày: 28/08/2020 12:49:53

ĐTO - Ngày 28/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Ông Phạm Văn Hòa – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo và thành viên của 2 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Đa số ý kiến đại biểu các địa phương cơ bản thống nhất dự thảo nghị quyết. Nhiều đại biểu thống nhất việc thành lập văn phòng chung sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Bên cạnh đó, các đại biểu đóng góp ý kiến về một số vấn đề như về cơ cấu các phòng, đại biểu đề nghị nên quy định chính thức có 4 phòng (thêm 1 phòng so với dự thảo nghị quyết). Cụ thể, ngoài các phòng: Công tác Hội đồng nhân dân, Công tác Đại biểu Quốc hội, Hành chính - Tổ chức - Quản trị, cần có thêm phòng phụ trách về công tác dân nguyện và thông tin. Về số lượng biên chế, số lượng phó phòng, nhiều đại biểu đề nghị giao cho địa phương quyết định trên cơ sở vị trí việc làm và số lượng biên chế được giao của 2 văn phòng trước khi hợp nhất.

Tham gia phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết do đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung chính rất phù hợp so với Nghị quyết số 545 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 quy định về vấn đề này trước đây. Tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 về nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng, dự thảo Nghị quyết đã thiết kế: “Công tác tham mưu tổng hợp” và “Công tác phối hợp phục vụ” của Văn phòng thành 2 điểm a, b riêng, rất cụ thể, rõ ràng…


Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến

Bên cạnh những ý kiến nhận xét, thống nhất trên, ông Phạm Văn Hòa có một số kiến nghị. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 3 (phương án 1) dự thảo Nghị quyết, đề nghị thay từ “địa phương” bằng cụm từ “Thường trực Hội đồng nhân dân sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội” và thiết kế lại khoản này như sau: “Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có 3 phòng: Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất, mức độ công việc thì có thể bố trí thêm 1 phòng, chức năng, nhiệm vụ, tên phòng do Thường trực Hội đồng nhân dân sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định”. Theo ông Phạm Văn Hòa, quy định như vậy nhằm xác định rõ chủ thể có thẩm quyền ra quyết định thành lập thêm 1 phòng vì khái niệm “địa phương” thì rất chung chung, sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện…

Những ý kiến đóng góp của đại biểu các địa phương, Quốc hội ghi nhận, tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trước khi ban hành.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn