Nông dân – Lòng tin yêu Đảng

Cập nhật ngày: 22/01/2020 04:53:12

Thời phong kiến, tuyệt đại bộ phận người dân là nông dân, sống bằng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản. Dựa vào thiên nhiên mà nuôi sống bản thân và gia đình mình. Song song với khai mở đất hoang thành ruộng lúa, thành vườn tược, có kẻ giàu lên, người nghèo, người có thế lực, làm chủ nhiều vùng đất rộng lớn trở thành điền chủ.

Khi Pháp vào đô hộ nước ta, ngoài vùng ven sông Tiền, sông Hậu, chúng thèm thuồng vùng đất bao la, rộng lớn Đồng Tháp Mười. Bằng việc đào kinh, chúng hòng biến vùng đất nầy thành ruộng lúa, mà chúng là ông chủ, vơ vét lúa gạo làm giàu cho mẫu quốc. Pháp và điền chủ người Việt là cặp đôi chia nhau chiếm đất mà trước đó người nông dân đã khai phá, ngang nhiên biến họ thành tá điền, là người mướn đất của điền chủ, hằng năm phải đóng lúa ruộng với tỷ lệ cao; cùng với các sắc thuế; đi làm xâu, cống nạp giỗ, Tết cho nhà điền chủ. Điền chủ càng giàu, lẫm lúa càng to thì đời sống người nông dân càng nghèo khổ, cơ cực, bần hàn. Đến nay, ở tỉnh ta vẫn còn lưu lại các địa danh Kinh Đô Sơn (Doseul), Tây máy đèn, Tây xếp, Hội đồng Tường, Hội đồng Triệu, Kinh ông Kho, cống Kho... phản ánh một thời người nông dân là nô lệ, bị bóc lột, ngu dốt, bần hàn. Mâu thuẫn xã hội ngoài giữa người nông dân với điền chủ, còn thêm mâu thuẫn mới giữa người dân mất nước bị thống trị với giặc Pháp xâm lược. Lịch sử còn ghi lại những cuộc khởi nghĩa của Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Thống lãnh binh Nguyễn Văn Linh... dựa vào lực lượng nông dân chống Pháp. Nguyện vọng tha thiết của người dân là được quyền sống tự do, được làm chủ miếng đất của mình, được độc lập làm chủ đất nước mình. Pháp và tay sai càng khủng bố, đàn áp, thì nguyện vọng đó càng tha thiết, nóng bỏng hơn.

Đến khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo, dân ta như được nhìn thấy ánh sáng, thấy con đường mình đi nay có người dẫn lối, tin tưởng và đi theo Đảng. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, lần đầu tiên trong đời người nông dân được sống trong không khí độc lập, tự do. Đất Đồng Tháp Mười cứ chia ra trăm ngang ngàn dọc (bề ngang 100 thước, bề vô 1.000 thước) Đảng cấp cho từng hộ dân nghèo. Ơi! Nguyện vọng từ bao đời cha ông, nay người nông dân mới được làm chủ miếng đất của mình. Sung sướng, toại nguyện xiết bao! Không phải tự nhiên hay bị ai ép buộc mà dân ta gọi Đảng Cộng sản là Đảng ta và lời trước câu nói là ơn Đảng, ơn Bác Hồ.

Pháp trở lại xâm chiếm nước ta lần nữa. Nghe theo lời Đảng gọi, lớp lớp nông dân, công nhân, trí thức lại vùng lên cầm võ khí kháng chiến. Tuy bằng tầm vông vạt nhọn, gươm giáo, phi tiêu... dân ta anh dũng đương đầu với tàu chiến, máy bay, xe bọc thép, trọng pháo và cả sư đoàn bộ binh địch. Nông dân là thanh niên tòng quân gia nhập các đơn vị võ trang mang tên Vệ Quốc Đoàn. Nông dân là người trung niên vô du kích, ở quê sản xuất nuôi quân. Các mẹ, các chị vô Hội Mẹ chiến sĩ. Thiếu nhi làm liên lạc. Giai cấp nông dân được Đảng ta trân trọng gọi là chủ lực quân cách mạng. Dù bị địch ruồng bố, ném bom, bắn trọng pháo, bắn giết trâu bò, đốt lúa... song nông dân ta vẫn kiên cường chiến đấu, một lòng đi theo Đảng. Cuối cùng, Pháp phải đầu hàng.

Mỹ lại nhảy vào hòng thống trị dân ta, với tiềm lực một nước đế quốc có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, dựng lên bộ máy, quân đội tay sai, sử dụng địa chủ phản động có hận thù với cách mạng hòng dựa vào Mỹ cướp lại ruộng đất Đảng ta đã cấp cho nông dân làm chủ.

Người kháng chiến cũ, người dân yêu nước và cả những người nông dân chỉ biết làm ăn cũng bị Mỹ ngụy bắt tra tấn, tù đày. Nhà tù mọc lên nhan nhản vẫn nghẹt người bị bắt giam cầm. Máu lại đổ. Không cam tâm xuôi tay chịu chết, một lần nữa nông dân lại nghe theo lời Đảng gọi cầm võ khí và bạo lực chánh trị nổi dậy tấn công, mà chiến thắng Giồng Thị Đam, Gò Quản Cung ngày 26/9/1959 là “tiếng sấm đầu mùa” báo hiệu cơn bão giông Đồng Khởi cả miền Nam. Khó kể hết chuyện bà con nông dân ta bảo bọc, nuôi chứa trong nhà các cán bộ Đảng ta, dù biết nếu địch phát hiện thì nhà bị đốt, người bị bắt tra tấn tù đày, tiêu tan tài sản. Một lần nữa lòng tin của dân ta với Đảng như vàng luyện trong lửa đỏ. Vàng càng luyện càng trong. Vàng đó được thử thách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nông dân với súng kíp, ngựa trời, mã tấu, bốc lôi, huyền lôi, đạp lôi, chông tre, rào tre, cả ong vò vẽ... đã chống lại các đội quân tinh nhuệ Mỹ ngụy, các loại tàu chiến, xe bọc thép, các loại máy bay hiện đại, cả máy bay B52 tuôn bom rải thảm, cả chất độc hóa học... hòng tàn sát man rợ, khuất phục dân ta.

Dù phải kéo dài 21 năm, đương đầu với các chiến lược, chiến thuật tân kỳ của các đời Tổng thống, Đại tướng Mỹ với các thủ đoạn tàn bạo, thâm độc, một lần nữa dân ta đi theo ngọn cờ lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Bác Hồ, của Đảng ta, đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với cái mốc ngày 30/4/1975.

Đất nước hòa bình nhưng vẫn chưa yên, nhân dân ta lại bất đắc dĩ cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Trong xây dựng đất nước mà trọng tâm là kinh tế, từ sau giải phóng tới Đại hội Đảng lần VI, là giai đoạn lòng tin của người nông dân bị thử thách, chao đảo qua những chủ trương, biện pháp chủ quan, nôn nóng của Đảng, qua chuyện làm ăn tập thể, cải tạo nông nghiệp, công thương nghiệp, cộng với việc bao vây cấm vận của Mỹ, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, khiến nước ta sa vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Bắt đầu sự nghiệp đổi mới, các tầng lớp nhân dân nói chung, nông dân nói riêng phấn khởi, vui mừng hưởng ứng các chủ trương đổi mới. Người nông dân được tự do suy nghĩ cách làm giàu trên mảnh đất của mình. Đến nay trên 30 năm đổi mới, từ tư duy, cách nghĩ đến cách làm ăn của người nông dân phát triển rầm rộ như vườn hoa mùa xuân. Khó kể hết những người nông dân mày mò sáng tạo ra các công cụ, máy móc trong sản xuất nông nghiệp, trong chuyển hai vụ lúa một vụ nuôi tôm, nuôi cá hoặc trồng sen tăng thu nhập trên một diện tích đất. Hàng trăm điển hình nông dân tiên tiến, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được xã hội công nhận, Nhà nước khen thưởng, biểu dương... Người nông dân từ sản xuất cốt đủ ăn, nay trước hết tính đến lãi ít hay nhiều, áp dụng máy móc, kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn hàng hóa xuất ra nước ngoài. Xa rồi thời con trâu đi trước cái cày đi sau, mà nay người nông dân ngồi lái máy gieo sạ, liên hợp gặt đập, điều khiển máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, bấm điện thoại điều khiển máy bơm nước tưới lúa, hoa màu... Qua các cuộc tập huấn, hội thảo, chương trình khuyến nông khuyến ngư, qua các mô hình Hội quán, hợp tác xã... đã nâng cao trình độ tri thức của người nông dân, thay đổi tập quán, cách nghĩ, cách làm, hướng vào làm ăn hợp tác, liên kết, liên doanh từ đầu vô sản xuất, chăm sóc đến đầu ra sản phẩm, đến người tiêu dùng, xuất khẩu ra nước ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của kinh tế thị trường.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa dần dần chiếm lĩnh vùng nông thôn, mặt trận nông nghiệp và biến đổi người nông dân nghèo nàn, lạc hậu, thủ cựu... thành những người công nhân nông nghiệp, trí thức trên đồng ruộng, thay đổi bản chất vốn có của người nông dân. Tầm nhìn của người nông dân vượt qua rặng cây, cánh đồng trong xóm làng đến thế giới bao la... Người nông dân có sự lãnh đạo của Đảng biết làm chủ thiên nhiên, xã hội và bản thân mình, biết khắc chế bão lụt, sạt lở đất, thay đổi thời tiết, khí hậu, biến những điều bất lợi thành có lợi cho mình.

Bên những thay đổi to lớn rất cơ bản đó, phải nhận rằng vùng nông thôn, người nông dân còn một bộ phận khó khăn, chưa thay đổi tư duy, vẫn suy nghĩ cũ, giữ cách làm cũ, vẫn còn nghèo, đặt ra cho Đảng ta, cả xã hội có biện pháp chăm lo cụ thể. Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại kết quả tốt đẹp chẳng những bộ mặt nông thôn như cầu đường, nhà cửa, điện, nước... mà quan trọng hơn là đời sống vật chất lẫn văn hóa nâng cao, thay đổi tâm hồn, trí tuệ con người nông dân. Tương lai với chủ trương nâng cao tiêu chuẩn nông thôn mới sẽ càng thúc đẩy bộ mặt nông thôn, đời sống người nông dân lên bước cao hơn, càng gần với vùng thành thị hơn.

Chưa có công trình tổng kết nào từ cấp xã, phường đến tỉnh, thành và cả nước, để thấy sự thay đổi vĩ đại ở nông thôn, nông nghiệp, người nông dân ở nước ta kể từ khi có Đảng. Tin rằng sang năm Canh Tý 2020, qua Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới. Chưa bao giờ lòng tin của nhân dân ta nói chung, người nông dân nói riêng hướng về Đảng, tin ở sự lãnh đạo của Đảng càng khẳng định, nâng cao như bây giờ...

Mùa xuân Canh Tý – 2020

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn